Trò diễn Xuân Phả có từ đầu thế kỷ thứ 10, xuất phát từ cung đình, qua nhiều biến động đã được dân gian hóa, trở thành trò diễn trong sinh hoạt cộng đồng. Được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016, loại hình nghệ thuật đặc sắc này tiếp tục được những người dân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa gìn giữ và trao truyền như báu vật.
Các nghệ nhân trình diễn trò Xuân Phả. (Ảnh KHIẾU MINH)
Những ngày cuối năm se se lạnh, lất phất mưa bụi, chúng tôi về vùng đất Lam Kinh-Thọ Xuân, nơi phát tích của triều đại Tiền Lê và Lê Sơ. Người dân ở đây lưu truyền câu nói “Ăn bánh với giò không bằng xem trò Xuân Phả”, cho thấy sức hấp dẫn của tổ hợp diễn xướng múa hát “độc nhất vô nhị” này.
Vọng nghe lời cổ giữa sân nghè
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trò diễn Xuân Phả có từ thời Đinh, gắn liền với sự tích Thần hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Bày tỏ lòng biết ơn, đức vua đã tổ chức lễ hội ăn mừng tại miếu thờ Thành hoàng làng và ban cho nhân dân làng Xuân Phả 5 điệu múa Hoa Lang, Chiêm Thành, Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ai Lao và Ngô Quốc. Lấy tên làng đặt tên cho trò diễn, trò múa Xuân Phả hay còn gọi là “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” là tổ hợp 5 trò múa, mô phỏng các nước lân bang lai triều, tiến cống vua Đại Việt.
Xuất phát từ cung vua phủ chúa, mang yếu tố nghệ thuật cung đình, nhưng lại được dân gian gìn giữ, bảo tồn, trò diễn Xuân Phả đi vào đời sống tinh thần, là nét nghệ thuật riêng có của người dân Xuân Phả. Trải qua hơn nghìn năm, trò diễn Xuân Phả in đậm dấu ấn nghệ thuật diễn xướng cung đình và dân gian Việt Nam trong từng điệu múa. Những điệu múa độc đáo, mang tính ước lệ, huyền bí và lộng lẫy, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc nói chung, của người nông dân nơi nó được sinh ra nói riêng.
Vừa bước chân vào nghè Xuân Phả, chúng tôi đã nghe tiếng trống nổi lên, tiếng thanh la, mõ và sênh tre gõ nhịp với tiết tấu đều đặn giúp động tác múa nhịp nhàng, uyển chuyển. Hơn 20 thành viên câu lạc bộ trò Xuân Phả trong phục trang rực rỡ với đạo cụ và phụ kiện độc đáo đang múa hát điệu Hoa Lang. Trò tôi ở bên Hoa Lang/ Tôi nghe Đức Chính tôi sang chèo chầu/ Khoan là khoan, chúc mừng văn võ thăng quan từ rày… Chúng tôi mừng cả bảy thôn/ Mở tiệc khôi hài vui thật là vui/ Hay là hay, mấy khi vui vẻ thế này chèo chơi/ Chúng tôi hát chúc đã rồi/ Nay xin đánh trống chèo chơi huê tình...
Nối tiếp trò múa hát Hoa Lang diễn tả cảnh thanh bình, trù phú và cuộc sống sinh hoạt, lao động của cư dân vùng lúa nước, trò Chiêm Thành là tổ hợp múa mô phỏng nước Chiêm Thành đến tiến cống vua đất Việt. Qua động tác múa khéo léo, các vũ công đã tái hiện bức tranh nước chư hầu sang tiến cống. Tiếp nối là các trò Tú Huần, Ai Lao và Ngô Quốc phảng phất sắc màu lịch sử lôi cuốn người xem chìm đắm vào các tích trò với các nhân vật chúa, phỗng, cô tiên, thày địa lý, người bán kẹo cùng các con trò, các con vật voi, hổ… với nhịp phách ở trường độ, cao độ khác nhau.
Xem liên khúc múa Xuân Phả, thấy được sức sáng tạo của cha ông qua những nét đặc sắc của màn diễn xướng tổng hợp nghệ thuật múa, hát, âm nhạc và trang phục biểu diễn. Nhạc điệu, hệ thống các điệu múa, nội dung các tích trò và lời ca ứng đối mang âm hưởng của hò và dân ca xứ Thanh. Từng động tác múa toát lên sự khỏe khoắn, dứt khoát, nhịp trống mạnh mẽ. Các động tác đánh võ, chèo thuyền được lồng vào các động tác múa khéo léo, liên kết theo một mạch ý tứ xuyên suốt với nguyên tắc nghiêm ngặt. Sắc phục tượng trưng cho ngũ hành với gam màu xanh, đỏ, vàng chủ đạo cùng các họa tiết thêu cầu kỳ đại diện cho 5 nước lân bang.
Trang phục điệu múa nước Chiêm Thành, áo màu đỏ, phía trước thêu hình rồng. Trang phục của điệu múa trò Hoa Lang với áo chúa màu xanh được thêu rồng cuốn thủy. Trang phục điệu múa Ai Lao màu trắng với đạo cụ là sênh tre… Điều tiết nhịp trống cho từng động tác múa thuần thục là Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa các điệu múa, trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Mỗi điệu múa mang sắc thái sinh hoạt cộng đồng của các vùng miền, quốc gia thời bấy giờ, thể hiện trong màu sắc trang phục, mô phỏng hoạt động làm ăn, sinh sống, giao thương, phong tục tập quán. Trong 5 trò, thì 3 trò Hoa Lang, Chiêm Thành và Tú Huần, các nhân vật phải dùng mặt nạ, làm bằng chất liệu da bò hoặc bằng gỗ được tô vẽ, sơn phết. Nghệ thuật hóa trang độc đáo mang đến màu sắc tâm linh, tín ngưỡng bí ẩn cho trò diễn Xuân Phả.
Nối dài hành trình gìn giữ hồn cốt di sản
Sau thời gian dài mai một cũng như nhiều lần khôi phục không thành công, đến năm 1990, trò Xuân Phả được phục dựng, hồi sinh trong cuộc sống hiện đại. Điều đáng quý là các điệu múa và lời ca cổ được giữ nguyên gốc, động tác nguyên bản, không pha trộn yếu tố mới. Qua biến đổi thời cuộc, một số yếu tố đã bị mai một, một số tiểu tiết được thay đổi để phù hợp đời sống đương đại, nhưng không ảnh hưởng đến yếu tố gốc.
Gần 40 năm bền bỉ gìn giữ và phát triển trò Xuân Phả, nhìn nhận về sự sáng tạo trên chất liệu trò diễn Xuân Phả, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng cho biết: “Sự sáng tạo phụ thuộc vào yêu cầu chương trình và chúng tôi làm mới chất liệu trò Xuân Phả chỉ khi có yêu cầu. Thí dụ, đáp ứng yêu cầu thời lượng của chương trình, thay vì diễn từng tích trò, chúng tôi giới thiệu cùng lúc 5 điệu múa trên nền nhạc, chỉ thay đổi hình khối, đội hình hoặc lối ra vào”. Một điểm khác biệt so với trò múa cổ trước đây, đó là nữ giới đã được tham gia vào các tích trò. Nguyên bản của trò Xuân Phả truyền thống là các nhân vật nàng tiên, ông phỗng đều do nam giới đảm nhận. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều vị trí trò diễn, động tác múa của nữ giới phù hợp hơn, nên nữ giới đã được tham gia vào diễn trò Xuân Phả.
Quanh năm gắn bó với công việc đồng áng, nhưng người dân trong làng ai cũng biết diễn trò Xuân Phả. Đáng chú ý, cộng đồng cư dân rất quan tâm và trực tiếp tham gia bảo tồn, lưu giữ trò diễn Xuân Phả tương đối nguyên vẹn. Đến nay, các điệu múa, trò cổ tiếp tục được quảng bá, truyền lại cho con cháu. Theo chia sẻ của người dân địa phương - những người đang thực hành, gìn giữ di sản, họ đã phản ứng mạnh khi một số chương trình biểu diễn, nghệ nhân là người nắm giữ di sản không được mời trình diễn, trong khi diễn viên biểu diễn không đúng động tác, sai lệch các họa tiết trên mặt nạ. Nêu rõ quan điểm bảo tồn di sản, các nghệ nhân cho rằng, các đoàn biểu diễn chuyên nghiệp có thể lấy chất liệu, mô phỏng trò Xuân Phả để sáng tạo nên những giá trị nghệ thuật mới, nhưng phải hạn chế làm sai lệch tính nguyên gốc của di sản văn hóa phi vật thể này.
Bền bỉ hơn 30 năm qua, các nghệ nhân trò Xuân Phả tích cực trình diễn phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan khu di tích Lam Kinh. Hơn thế, không chỉ tham gia các sự kiện lớn của tỉnh Thanh Hóa, trò diễn Xuân Phả cũng đã tham gia phục vụ nhiều sự kiện văn hóa lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội; góp mặt trong các sự kiện lớn của đất nước như Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội…
Hằng năm, để chuẩn bị cho lễ hội Xuân Phả (diễn ra vào đầu tháng 2 âm lịch), các nghệ nhân là thành viên câu lạc bộ múa Xuân Phả luôn tích cực truyền dạy cho thế hệ con cháu trong khu dân cư. Dù còn lo lắng mưu sinh, nhưng các nghệ nhân luôn hết mình truyền dạy để bảo tồn, gìn giữ trò diễn là di sản quốc gia này. Năm nào câu lạc bộ cũng có đợt truyền dạy cái đẹp, cái hay và biểu diễn Xuân Phả trong nhà trường ở toàn huyện Thọ Xuân và các trường trong tỉnh có yêu cầu. Vài năm gần đây, địa phương luôn có kế hoạch đưa trò múa Xuân Phả vào trường học để truyền dạy cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, với trò diễn Xuân Phả, kỹ năng múa đẹp và đánh trống giỏi là khó học nhất, bởi đây là những điệu múa cổ, phải thành thạo, am hiểu các vị trí và động tác múa, biết trò, nhớ trò mới đánh được trống giỏi. “Chúng tôi cố gắng bảo tồn nội dung của điệu múa và trang phục thông qua công tác truyền dạy cho giới trẻ. Thấy các cháu ham học, chúng tôi rất vui và mong muốn khi trưởng thành, các cháu dù làm ngành nghề gì, ở đâu cũng đều biết được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương” - Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết.
Là người nặng lòng gìn giữ di sản, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng không giấu được sự vui mừng khi ông nhận được một số hình ảnh quý về trò múa Xuân Phả do thế hệ ông cha từng biểu diễn tại Huế vào năm 1936, từ một số cá nhân định cư tại Pháp gửi tặng. Những hình ảnh này đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Pháp. Trong hành trình sưu tầm tư liệu, tìm hiểu và tiếp thu các tri thức về trò Xuân Phả, những tư liệu này giúp công tác bảo tồn di sản có thêm chứng cứ để thể hiện đúng chất cổ, làm gia tăng giá trị cho di sản.
Trò diễn Xuân Phả hiện đã vượt ra khỏi ranh giới một vùng văn hóa, được giới thiệu, quảng bá, biểu diễn rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước, lan tỏa nét văn hóa độc đáo xứ Thanh. Đan xen yếu tố dân gian và tính bác học, yêu cầu cảm thụ cao nên trò Xuân Phả rất kén khán giả. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch và lộ trình quảng bá rộng rãi Di sản phi vật thể quốc gia này, xây dựng các không gian văn hóa, đưa trò diễn Xuân Phả hoạt động theo mô hình câu lạc bộ. Từ đó có cơ chế chăm lo đời sống cho nghệ nhân cũng như việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nghin-nam-tro-dien-xuan-pha-post849052.html