Sản xuất khẩu trang, dung dịch sát khuẩn; bán trái cây, sữa chua, thịt bò… là những việc mà người làm du lịch đang phải xoay sở để tồn tại.
Ông T.V.L., giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM, bày các rổ trái cây nào xoài, ổi, chuối.... lên chiếc bàn làm việc của nhân viên ra khoảnh sân giáp với đường. Khoảnh sân này khi chưa có Covid-19 là nơi để xe cho khách vào công ty giao dịch, giờ làm chỗ buôn bán. Đặt chai dung dịch rửa tay lên bàn, ông nói "cho khách yên tâm mua".
Công ty ông L. chuyên đón khách nước ngoài vào Việt Nam, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, những đoàn khách này đã lần lượt hủy và "chưa hẹn ngày trở lại". Văn phòng công ty đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Để có thêm thu nhập, vừa tận dụng được mặt bằng và hỗ trợ nông dân, anh về quê vận chuyển trái cây lên bán. Tuy nhiên, từ ngày 1/4 đến nay, vì hạn chế di chuyển, anh không tiếp tục công việc để ở nhà, cách ly xã hội.
Ngay từ tháng 1, khi các tour du lịch qua Trung Quốc "đóng băng", ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Du Lịch Việt, đã có quyết định táo bạo khi nhập thiết bị máy móc về để sản xuất khẩu trang y tế; phối hợp với một đơn vị khác để phân phối dung dịch rửa tay sát khuẩn và dung dịch phun khử trùng. Văn phòng công ty du lịch trở thành nơi trưng bày hàng hóa.
"Khoảng 30% nhân sự của công ty du lịch có nhu cầu được luân chuyển sang sản xuất và kinh doanh khẩu trang", ông Long nói. Ông cho biết thêm, Ecom Net ra đời không phải là giải pháp tạm thời mà là quyết tâm đầu tư lâu dài của Công ty Du lịch Việt để mang đến cho thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng và có giá ổn định, phù hợp với nhu cầu của mọi người.
Ngoài ra, ông Long cho biết, dung dịch khử trùng Ecombio là loại đậm đặc. Khi sử dụng, với mỗi 10ml dung dịch có thể pha loãng trong 1 lít nước để phun khử. "Đây là một sản phẩm hết sức thiết thực, cần thiết cho mọi người trong mùa dịch này", ông Long nói.
Trụ sở công ty Du lịch Việt cũng là điểm phân phối sản phẩm của công ty Ecom Net. Ảnh: Nguyễn Nam.
Chị Dương Thị Công Lý, người làm du lịch có văn phòng tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thì ở nhà làm sữa chua để bán. "Trước giờ tôi vẫn dùng công thức này để làm cho cả nhà dùng. Thời gian ở nhà nên nghĩ việc làm cho đỡ buồn tay chân. Đồng thời cũng là cách để dạy cho các cháu biết quý trọng lao động, biết trân quý đồng tiền làm ra".
Cũng theo chị Lý, công việc này chủ yếu là để mẹ - con được gần gũi nhau và giúp các cháu "rời xa các trò chơi điện tử nguy hại". Mỗi khi có khách đặt hàng nhiều, chị cũng phải gọi các cháu dậy sớm để phụ giúp vì sữa ủ men quá 8 tiếng sẽ không còn thơm và ngon.
Trong khi đó, anh Nguyễn Tuấn Lâm, Phó Tổng Giám đốc Global Travel 247, trụ sở tại TP HCM, lại phân phối thịt bò được nhập từ Nhật Bản, Australia.
"Đây là sản phẩm đóng gói tại Việt Nam, đã được hút chân không và chia trọng lượng túi 200gr-250gr. Vì là loại nhập khẩu nên lợi nhuận không cao. Tuy nhiên, mùa dịch bệnh, công ty du lịch của mình đang tạm ngừng hoạt động. Mình không thể cứ ngồi im để chờ", anh Lâm, nói và cho biết, vẫn chạy giao hàng khi có khách mua.
Giai đoạn này, hầu như tất cả các công ty du lịch đang đóng cửa "ngủ đông". Ảnh: Nguyễn Nam.
Trong thời gian cách ly xã hội, tại TP HCM, nhiều nhà hàng, quán ăn... đã tạm dừng hoạt động. Các khách sạn có nhà hàng đã phải "xoay chuyển" bằng cách bán combo đồ ăn, miễn phí giao hàng. Khách sạn 4 sao Hương Sen trên đường Đồng Khởi, quận 1, giới thiệu combo ăn trưa với giá 40.000 đồng và sẽ giao hàng tận nơi cho khách. Trong khi đó, khách sạn 5 sao Rex lại phục vụ khách hàng thân thiết bằng cách cung cấp suất ăn sáng cho những khách có nhu cầu đặt hàng.
"Thời điểm này, lượng khách lưu trú cũng không có nhiều. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn phải hoạt động để phục vụ cho khách. Nhằm tạo thêm nguồn thu nhập, chúng tôi có bán thêm combo ăn trưa cho khách có nhu cầu và thông qua một đối tác để chuyển thức ăn cho khách", đại diện một khách sạn 3 sao trên đường Đồng Khởi nói.
Nguyễn Nam/vnexpress.net
https://vnexpress.net/nguoi-lam-du-lich-xoay-trong-dai-dich-4081781.html