Hiện thực hóa khát vọng vươn mình: Khai mở mặt trận kinh tế mới

Thứ 5, 19.12.2024 | 08:57:14
324 lượt xem

Ðể trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng và nước phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, ngay từ giai đoạn 2026-2030, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số kéo dài liên tục trong 20 năm. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề nhưng hoàn toàn có cơ sở và nền tảng để thực hiện, nếu tập trung nguồn lực cho những dự án, công trình lớn có tính lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành mũi đột phá.

Xuất hàng tại cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Hòa Phát

Không cần chờ đến lúc khởi công, hiệu ứng của dự án đường sắt tốc độ cao nối hai đầu đất nước đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội ngay tại thời điểm Quốc hội khóa XV bấm nút thông qua chủ trương đầu tư trong buổi làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8 diễn ra chiều 30/11/2024.

Khởi động dự án chào kỷ nguyên mới

Nhìn ra khuôn viên thoáng đãng và yên tĩnh của khu nhà điều hành, ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm tự hào nói, đây chính là “cái nôi” của ngành đường sắt Việt Nam, nhiều gia đình có truyền thống 2, 3 thế hệ làm đường sắt. Khi được quán triệt chủ trương của Ðảng, Nhà nước về định hướng làm đường sắt tốc độ cao, người lao động rất vui mừng, khí thế làm việc phấn chấn hơn.

“Khi Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam thông báo chủ trương đào tạo nhân sự chuẩn bị cho dự án, các gia đình rất tin tưởng hướng nghiệp cho con em mình để có thế hệ thứ 4 nối tiếp ở trình độ công nghệ hiện đại mang tính bước ngoặt lịch sử của ngành”, ông Hiệp nói.

Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là một trong hai cơ sở chính của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (cùng với Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An ở Bình Dương), dự kiến sẽ là hạt nhân hình thành nền công nghiệp đường sắt hiện đại trong thời gian tới.

Xe lửa Gia Lâm từng có thời kỳ huy hoàng với hệ thống nhà xưởng đồng bộ, khép kín từ tạo phôi, rèn, đúc, gia công cơ khí chính xác đến chế tạo đầu máy, toa xe, trở thành biểu tượng cho ngành công nghiệp cơ khí của đất nước, nhưng nhiều thập niên gần đây lại trở nên tụt hậu vì chưa được đầu tư xứng tầm.

Tổng mức đầu tư gần 70 tỷ USD cho dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra quy mô thị trường khoảng 53 tỷ USD cho các ngành công nghiệp phụ trợ, làm GDP tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm. Với quy mô chưa từng có trong lịch sử, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt được thử sức, vươn mình lên tầm cao mới. Khác với thời điểm trình ra Quốc hội lần đầu, giờ đây, vốn cho dự án không còn là vấn đề lo ngại nhất.

Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng, các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô đã có nhiều kinh nghiệm khi tái khởi động nghiên cứu dự án; bảo vệ quan điểm chọn doanh nghiệp Việt Nam làm 11 gói thầu; lấy đầu tư công là chủ đạo, dẫn dắt đầu tư tư. Ðó chính là “điểm cộng” thuyết phục được Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án với tỷ lệ 92,48%.

Ghi nhận của chúng tôi trong chuyến tham quan thực tế tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Phát đã củng cố thêm niềm tin vào năng lực của các doanh nghiệp nội địa trước cơ hội khai mở “mặt trận” kinh tế mới.

Năng lực sản xuất hiện nay của Hòa Phát đạt 8,5 triệu tấn/năm và nằm trong Tốp 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, dự kiến tăng lên hơn 14 triệu tấn từ cuối năm 2025, khi toàn bộ dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động.

Ðã thiết lập được vị thế trên thị trường quốc tế, tổ chức sản xuất hiện đại ở quy mô lớn, việc cung cấp ray cho đường sắt tốc độ cao không phải là thử thách cao đối với Hòa Phát. “Theo bảng phân cấp chất lượng của châu Âu, thép làm tanh/bố lốp ô-tô, thép hợp kim cao dập nguội có độ khó 10 thì Hòa Phát đã làm được từ năm 2022 và xuất khẩu cho các đối tác của Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thép ray tàu cao tốc độ khó chỉ mức độ 8, do đó việc sản xuất các loại thép, trong đó có thép ray cho dự án hoàn toàn nằm trong tầm tay của Hòa Phát”, Trưởng phòng Công nghệ (Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất) Ngô Ðức Tuyên khẳng định.

Sứ mệnh lịch sử

Ðể chuẩn bị cho dự án lớn của đất nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Ðình Long cùng đội ngũ chuyên gia công nghệ đã trực tiếp đi tìm hiểu thực tế tại nhiều nhà máy sản xuất ray thép hàng đầu thế giới tại châu Âu và đàm phán, hợp tác hỗ trợ, chuyển giao công nghệ với các đối tác, nhà cung cấp thiết bị sản xuất ray thép cho đường sắt cao tốc hàng đầu thế giới.

Các dòng sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo, trong đó có thép đường ray cũng đã có trong kế hoạch đầu tư dự kiến của Hòa Phát những năm tới tại tỉnh Phú Yên. Ðón bắt cơ hội, nhiều doanh nghiệp xây lắp ngành giao thông như Ðèo Cả, Trường Sơn, Phương Thành, Ðịnh An, Trung Chính,... đã xúc tiến kế hoạch đào tạo nhân lực, hợp tác chuyển giao công nghệ để sẵn sàng tham gia dự án.

Nền kinh tế Việt Nam đang rất cần năng lượng và sức sáng tạo từ một cộng đồng doanh nghiệp đông về số lượng, mạnh về chất lượng để có động lực tăng trưởng bứt phá 2 con số trong giai đoạn tới. Quan sát những chuyển động chính sách gần đây, các chuyên gia kinh tế đánh giá, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ hơn về hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân lớn để gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế, có những cam kết mạnh mẽ, chạm đến trái tim những người đang chèo lái doanh nghiệp.

Các sự kiện được nhắc đến là cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại diện doanh nghiệp trong các ngày 22/8 và 13/10/2024; cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với 12 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong tháng 9/2024. Ðây là khởi đầu cho những hành động rất cần thiết nhằm xoay chuyển tình thế, vì khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm hơn 900 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể còn rất nhiều dư địa phát triển, bứt phá.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam thường hay nhắc đến hiện tượng “tuổi thọ ngắn” của doanh nghiệp và gọi đó là một sự lãng phí nguồn lực. Vì xuất phát điểm thấp, doanh nghiệp Việt Nam phải mất 30-40 năm để đi ra thế giới.

Dự kiến đến cuối năm 2024, cả nước mới có 1 triệu doanh nghiệp-con số mục tiêu từng đặt ra cho năm 2020. Các doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động thường chỉ có 4-5 năm tham gia thị trường. Số liệu về doanh nghiệp khai sinh và khai tử “co giãn” rất lớn, cho thấy phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vì đây là những ngành dễ mở nhưng cũng dễ đóng.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ lệ khá thấp, trong khi đây là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Cấu trúc doanh nghiệp này phản ánh thực lực nền kinh tế chưa thật sự vững chắc. “Diện mạo của doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới phải là các chuỗi kinh tế do các tập đoàn kinh tế trong nước làm chủ, có năng lực cạnh tranh ở thị trường thế giới. Lịch sử cho thấy không một quốc gia nào trở nên hùng mạnh nếu không có những trụ cột để cạnh tranh”, Tiến sĩ Trần Ðình Thiên nêu rõ.

Nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đổi mới tư duy để đi đến hành động bằng đổi mới thể chế là khâu quan trọng nhất, và đó là khởi đầu cho toàn bộ quá trình 40 năm Ðổi mới của đất nước.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Tốp 40 nền kinh tế hàng đầu, quy mô thương mại trong Tốp 20 thế giới. Trong đó, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 45% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%.

Cải cách thể chế, theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Ðình Cung là không thể tách rời mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân bản địa. Nhưng chính trong thời điểm được trao cơ hội mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất.

Từ trải nghiệm của mình trong thực tiễn tham gia xây dựng chính sách phát triển kinh tế, vị chuyên gia chỉ rõ, những khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà còn do chính những vấn đề nội tại của thể chế kinh tế.

Ông mong mỏi tinh thần đổi mới của Tổng Bí thư được quán triệt sâu sắc trong toàn hệ thống chính trị, với trọng tâm tiếp theo là đột phá về pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, dự án trên cả nước cũng như những kiến nghị về cải cách môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp gửi đến các cơ quan chức năng nhiều năm liền không xử lý rốt ráo. Ðặc biệt, phải dứt khoát xoá bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-vuon-minh-khai-mo-mat-tran-kinh-te-moi-post851286.html

  • Từ khóa