Điểm yếu trong tham vọng công nghệ của Trung Quốc

Thứ 4, 27.05.2020 | 07:32:32
642 lượt xem

Tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ của Trung Quốc có thể khiến họ phụ thuộc hơn vào công nghệ Mỹ.

Trung Quốc dự định đầu tư khoảng 1.400 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2026 nhằm xây dựng mạng lưới 5G, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cho các ứng dụng như xe tự lái và tự động hóa nhà máy, cũng như giám sát diện rộng. Mục tiêu của kế hoạch do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng là chuyển tập trung sang phát triển thị trường nội địa, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng có một điểm yếu trong kế hoạch của ông Tập, khiến ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào Mỹ. Đó là linh kiện bán dẫn silicon. Trung Quốc sẽ thoát hiểm nếu họ đầu tư phát triển được ngành công nghiệp này.

Dây chuyền chế tạo chip bán dẫn tại nhà máy TSMC. Ảnh: Wccftech.

Dây chuyền chế tạo chip bán dẫn tại nhà máy TSMC. Ảnh: Wccftech.

Điều này thể hiện rõ nhất trong chiến dịch kiềm chế tập đoàn viễn thông Huawei, vốn bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Chính quyền Mỹ tuần trước yêu cầu các công ty bán dẫn sử dụng công nghệ của nước này phải xin giấy phép trước khi hợp tác với Huawei, khép lỗ hổng cho phép tập đoàn Trung Quốc lách lệnh cấm sử dụng công nghệ Mỹ trong ngành bán dẫn và phần mềm.

Vai trò thống trị của Mỹ trong ngành bán dẫn silicon cho phép nước này áp dụng biện pháp kiểm soát tương tự quá trình kiểm soát giao dịch tài chính toàn cầu.

Bộ xử lý, cũng như thiết bị, vật liệu và quy trình thiết kế, sản xuất chúng trên quy mô lớn, đều được sáng chế tại Mỹ. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Mỹ có thể chặn quyền tiếp cận thiết kế và công nghệ chế tạo chip với mọi công ty Trung Quốc, dù biện pháp này cũng gây hại cho những công ty Mỹ đang dựa vào Trung Quốc để tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều công ty chủ chốt trong kế hoạch 1.400 tỷ USD của Trung Quốc bị đưa vào danh sách cấm do "hành động ngược lại lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ", theo Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ. Trong số này có các hãng dẫn đầu ngành AI, như SenseTime và iFlyTek, tập đoàn chuyên về nhận diện khuôn mặt Megvii và Yitu, hãng sản xuất máy quay an ninh Dahua Technology và HikVision, cùng nhà sản xuất siêu máy tính Sugon.

Các tập đoàn trên đã bị cấm sử dụng chip từ những nhà sản xuất Mỹ, nhưng họ có thể tận dụng lỗ hổng giống Huawei bằng cách đặt chế tạo ở những nhà máy không thuộc Mỹ như TSMC ở Đài Loan hay SMIC tại Thượng Hải.

Tuy nhiên, quy định mới đã siết chặt biện pháp này, buộc các nhà máy bán dẫn dùng công nghệ xử lý của Mỹ, trong đó có TSMC và SMIC, phải xin giấy phép trước khi chuyển sản phẩm hoàn chỉnh cho Huawei. Mỹ có thể cấp phép cho chip dùng trong điện thoại thông minh, nhưng không dễ chấp nhận đề xuất với các loại chip dùng trong mạng 5G và hệ thống giám sát dùng AI.

Điều này có nghĩa là Mỹ đủ sức vô hiệu hóa kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ trị giá 1.400 tỷ USD của Trung Quốc nếu chính phủ Mỹ áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ với mọi công ty Trung Quốc trong danh sách trên.

Trung Quốc đang xem xét xây dựng danh sách "các thực thể nước ngoài không đáng tin cậy" nhằm đáp trả việc Mỹ ngăn Huawei tiếp cận sản phẩm của TSMC. Apple, Qualcomm và Micron Technology có thể bị đưa vào danh sách này. Cả ba tập đoàn dựa vào thị trường Trung Quốc, trong đó, hơn một nửa doanh thu của Micron bắt nguồn từ đây.

Việc Apple bị coi là "không đáng tin" sẽ giống một "cái tát" với CEO Tim Cook, người đã dành nhiều năm để xây dựng quan hệ với Bắc Kinh. Apple cũng đang mang đến việc làm cho khoảng một triệu công nhân Trung Quốc thông qua hệ thống nhà máy Foxconn.

Trừng phạt công ty Mỹ chỉ vì nguồn gốc của họ có thể bị coi là hành động không công bằng, chọc giận Mỹ theo đường lối cứng rắn. Ngay cả người sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi - cũng lo ngại với kịch bản này. "Trách nhiệm nên dành cho chính trị gia Mỹ, thay vì các công ty của họ", ông nói.

Trong một thế giới mà những người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc không thể sinh tồn nếu thiếu công nghệ lõi của Mỹ, cũng như các tập đoàn công nghệ Mỹ vẫn phải trông đợi nguồn doanh thu lớn từ thị trường Trung Quốc, sẽ không bên nào thực sự chiến thắng khi nổ ra xung đột.


Điệp Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/diem-yeu-trong-tham-vong-cong-nghe-cua-trung-quoc-4105445.html

  • Từ khóa