Góc nhìn giáo dục: Quyền lợi hay đặc quyền

Thứ 2, 26.08.2024 | 09:18:01
418 lượt xem

Đúng một tuần sau phát biểu của lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội tại hội nghị tổng kết năm học rằng Thủ đô không còn hiện tượng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp, thì hàng trăm phụ huynh đã tập trung tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, quận Nam Từ Liêm đến 21 giờ để chất vấn ban lãnh đạo trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận về việc “trường chưa tuyển sinh đã hết chỉ tiêu”.

Lâu nay, nhiều trường học công lập, chất lượng cao ở Hà Nội đều tái diễn cảnh chen lấn tuyển sinh kiểu xếp hàng xuyên đêm. Thực tế ai có con tham dự tuyển sinh đầu cấp mới thấm thía điều đó. Cả xã hội thấp thỏm và lao đao theo từng diễn biến sự kiện, từ bốc thăm vào Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), đến xếp hàng thâu đêm tại Trường Tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông), xô đổ cổng tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục (quận Ba Đình), trắng đêm ở Trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm)... 

Góc nhìn giáo dục: Quyền lợi hay đặc quyền
Tối 21-8, nhiều phụ huynh vẫn túc trực tại Trường Tiểu học Tây Mỗ để đợi chờ câu trả lời từ phía nhà trường và Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Vietnamnet 

Năm học 2024-2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Cụ thể, dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000, học sinh vào lớp 6 tăng 58.000 và học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 em. Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.875 trường học và 2,3 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Hà Nội cũng có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn. Mỗi năm, trung bình Hà Nội tăng thêm 40.000-50.000 học sinh, tương ứng phải xây 30-40 trường mới có thể đáp ứng đủ chỗ học.

Hình ảnh phụ huynh nằm, ngồi la liệt xuyên đêm chầu chực xin học cho thấy sự bất cập trong quy hoạch giáo dục và quản lý đô thị. Đáng lẽ một thủ đô văn minh, hướng tới trở thành trung tâm văn hóa của cả nước, một thành phố sáng tạo phải bảo đảm mỗi đứa trẻ đều có quyền được học tập mà không cần đến sự cạnh tranh khắc nghiệt. Thay vào đó, sự thiếu hụt trường học lại biến giáo dục-một quyền cơ bản đã được quy định trong văn bản pháp luật thành một đặc quyền mà không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận.

Việc bảo đảm quyền học tập cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu xã hội phó mặc hoàn toàn cho ngành giáo dục thì vấn đề này sẽ khó lòng được giải quyết triệt để. Các nhà quản lý không thể chỉ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà phải cân nhắc kỹ lưỡng đến việc bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ em. Các trường ngoài công lập có thể đóng vai trò bổ trợ, nhưng không thể trở thành giải pháp thay thế bắt buộc cho những trẻ em không được vào trường công lập. Chỉ khi có sự điều chỉnh hợp lý, chúng ta mới có thể yên tâm rằng: Mọi trẻ em đều có cơ hội học tập công bằng và chất lượng.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-quyen-loi-hay-dac-quyen-791016

  • Từ khóa