Một phần do khả năng cung ứng của các chung cư mini tại Hà Nội giảm, giá phòng trọ tăng, tân sinh viên đổ xô đăng ký vào ký túc xá khiến trường đại học quá tải.
Xếp hàng từ 3-4 giờ sáng đăng ký KTX
Ngày 28/8, ĐH Bách khoa Hà Nội đón tân sinh viên nhập học. Khoảng 3-4h sáng, nhiều phụ huynh, sinh viên ngoại tỉnh đã xếp hàng chờ, hy vọng kiếm được suất ở ký túc xá (KTX).
Khoảng 7h, tình hình căng thẳng khi hàng trăm người lao lên chen lấn, xô đẩy. Người đến sau cũng chen lấn, tranh giành khiến tình trạng càng hỗn loạn, "vỡ trận".
Theo ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Truyền thông và Tri thức số (ĐH Bách khoa Hà Nội), năm nay nhu cầu ở KTX cao hơn hẳn mọi năm.
Thống kê sơ bộ cho thấy, số sinh viên có nguyện vọng ở KTX ĐH Bách khoa lên đến 3.000-4.000 em trong khi nhà trường chỉ cung cấp được khoảng 1.000 chỗ ở KTX.
Em Lường Thanh Bình (Điện Biên) vào ở KTX vì giá cả phải chăng, tiện đi học (Ảnh: Mỹ Hà).
"Có thể do khả năng cung ứng của các chung cư mini tại Hà Nội giảm hơn hoặc giá phòng trọ tăng, việc tìm phòng trọ khó khăn hơn nên sinh viên muốn ở KTX của trường", ông Hải nhận định.
Cũng theo ông Hải, trước đó trường đã mở cổng đăng ký online và tiếp nhận đăng ký của khoảng 500 sinh viên. Số còn lại, trường nhận đăng ký trực tiếp khi sinh viên đến làm thủ tục nhập học tại trường.
Nhà trường đã thông báo về điều kiện được ở KTX, trong đó ưu tiên xếp chỗ cho các đối tượng chính sách theo quy định.
Sau khi xếp chỗ cho các đối tượng kể trên, nếu chỗ ở KTX còn dư, trường mới tiếp nhận và xét hồ sơ của các sinh viên thuộc diện còn lại như: nữ sinh, sinh viên ngoại tỉnh.
"Nhà trường hiểu và thông cảm cho nhu cầu chính đáng của sinh viên nhưng do cơ sở vật chất của nhà trường chỉ có vậy, không thể giải quyết hết nguyện vọng của các em", ông Hải chia sẻ.
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 30/8, hàng trăm sinh viên cũng nhận phòng KTX.
TS Nguyễn Văn Thỏa, Trưởng Ban Quản lý KTX Trường ĐH Sư phạm, cho biết việc đăng ký chỗ tại KTX được thực hiện trực tuyến ngay sau khi các em xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT nên không có hiện tượng quá tải.
Sau khi mở cổng đăng ký chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, khoảng 850 chỗ ở KTX của trường này đã được đăng kí hết. Nhiều em chưa đến nhập học đã được xác nhận có phòng ở.
Phòng ở tại đây được xếp từ đối tượng ưu tiên nhất xuống cho đến khi hết chỉ tiêu, sau đó mới đến các đối tượng khác.
Là con em dân tộc Tày, tân sinh viên Tô Ngọc Bích (Cao Bằng) mong muốn được ở KTX lâu dài để đỡ chi phí (Ảnh: Mỹ Hà).
"Khát" chỗ ở KTX
Ghi nhận của phóng viên Dân trí sáng 30/8 tại KTX Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, phần lớn tân sinh viên năm nhất, là con em dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách rất phấn khởi khi được nhà trường ưu tiên xếp ở khu KTX mới xây dựng.
Em Lường Thanh Bình (Điện Biên) cho biết, trước khi nhập học em thử lên mạng tìm hiểu chỗ thuê trọ nhưng giá tăng chóng mặt. Mỗi phòng trọ bên ngoài, nếu ở ghép cũng có giá 2-4 triệu đồng, tùy loại.
Với diện chính sách con em dân tộc thiểu số, em đăng ký chỗ ở KTX Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và may mắn được nhận phòng ngay.
Đỗ vào ngành Sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay, điều khiến gia đình em Tô Ngọc Bích (dân tộc Tày ở Cao Bằng) lo lắng nhất là chỗ ở tại Hà Nội.
Bố mẹ Bích đều làm nương rẫy. Năm nay lũ lụt nặng ở Cao Bằng khiến rau màu hư hỏng, gia đình phải vay tạm ít tiền cho con nhập học. May mắn Bích thuộc diện được ở KTX của trường. Em mong muốn được ở đây suốt 4 năm học tới để tiết kiệm chi phí.
Theo thống kê, phần lớn các trường đại học ở Hà Nội hiện chưa đủ chỗ ở ký túc xá đáp ứng nhu cầu của sinh viên, kể cả ký túc xá của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhiều trường ĐH tại Hà Nội thiếu chỗ ở KTX cho sinh viên (Ảnh: Mỹ Hà).
Giống các trường ĐH khác, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ đủ chỗ xét ưu tiên một số đối tượng được ở KTX như diện chính sách xã hội, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người có công; học sinh, sinh viên khuyết tật; có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; có hộ khẩu thường trú tại vùng cao...
Đặc biệt năm nay, tân sinh viên còn đối mặt với một khó khăn nữa bởi số lượng phòng trọ giảm vì nhiều khu chung cư mini không đáp ứng đủ yêu cầu phòng cháy chữa cháy.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện ký túc xá của nhà trường chỉ đáp ứng cho 2.700 sinh viên trên tổng số 17.000 sinh viên của cả trường (chỉ đáp ứng khoảng 1/6), vì vậy trong tương lai, nhà trường mong mỏi được đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên.
Trong khi đó, theo đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường chỉ đáp ứng khoảng 1.000 chỗ ở mỗi năm nhưng nhu cầu phải gấp đôi, gấp 3. Mặc dù biết sinh viên khó khăn nhưng các trường cũng không thể mở rộng hay xây thêm ký túc xá vì nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trường Đại học Y Hà Nội mới đây phát đi thông báo gửi tới thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường cảnh báo về việc có hoạt động giả mạo, lừa đảo thí sinh chuyển tiền để đăng ký chỗ ở trong ký túc xá. Theo đó, một số đối tượng tự nhận là cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội, sử dụng tài khoản facebook có tên "Đại học Y Hà Nội - HMU" liên lạc với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường, yêu cầu các bạn chuyển tiền để được đăng ký chỗ ở ký túc xá sớm. Đại diện nhà trường khẳng định, nhóm "Đại học Y Hà Nội - HMU" không liên quan đến bất kỳ đơn vị nào do Trường Đại học Y Hà Nội quản lý. Nhà trường khuyến cáo sinh viên chỉ đăng ký KTX thông qua các kênh thông tin chính thức của nhà trường như website, cổng thông tin sinh viên, hoặc liên hệ trực tiếp với phòng quản lý ký túc xá. |
Theo dantri.com.vn