Huỳnh Hân chọn thi đánh giá năng lực (ĐGNL) để tăng cơ hội vào trường top đầu vì lo sợ kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới nhiều rủi ro.
Ôn đề đến 1h sáng để tìm thêm cơ hội
Học sinh ở TPHCM dự lễ khai giảng năm 2024 (Ảnh: Nam Anh).
"Tỷ lệ chọi sẽ rất cao" là dự đoán của Huỳnh Hân, học sinh lớp 12, một trường THPT công lập ở tỉnh Bến Tre khi nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Cùng với đó, nữ sinh cũng lo các trường sẽ giảm xét tuyển học bạ nên đã cùng các bạn xung quanh "tự cứu mình" bằng cách thi ĐGNL.
"Đề thi THPT có thêm phần tự luận, đúng sai, còn đề thi ĐGNL vẫn thuần trắc nghiệm. Nhiều trường cũng xét tuyển phương thức này nên em dự thi để tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân", Hân nói.
Đặt mục tiêu 900 điểm để vào ngành tiếng anh thương mại của trường Đại học Kinh Tế TPHCM, nữ sinh ôn tập từ giữa hè năm nay và tham gia lớp luyện thi từ đầu tháng 7. Vì trường Đại học Kinh tế TPHCM chỉ lấy kết quả đợt 1 nên Hân càng dồn sức.
"Em ôn ĐGNL song song với chương trình trên lớp, luyện thi 1 buổi/tuần và giải 1-2 đề, đọc thêm sách. Vào tuần thi trên trường em phải ngưng ôn luyện, vì vậy, khi quay lại các bài tập tồn đọng rất nhiều, những lúc đó em khá áp lực", Hân cho hay.
Cũng lo ngại hình thức thi THPT mới, 6 tháng qua, Như Quỳnh, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Quang Khải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã "chạy đua" luyện thi ĐGNL.
Vì kiến thức ĐGNL có phần tương thích với bài học ở lớp nên Quỳnh tập trung nghe giảng để tiết kiệm thời gian ôn. Sau khi hoàn thành bài vở trên trường, nữ sinh bắt đầu luyện ĐGNL từ 21h đến 1h sáng.
Muốn vào ngành marketing của một trường top tại TPHCM, Quỳnh đặt mục tiêu 1.000 điểm và dự tính thi cả 2 đợt để lấy kết quả tốt nhất. Nữ sinh cho rằng đây là phương thức khá "chắc ăn" trong khi chờ thông tin tuyển sinh mới từ các trường.
Học sinh "dễ chịu" với đề thi ĐGNL
Những năm gần đây, nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực (Ảnh: Huyền Trân).
Chia sẻ về vấn đề trên, Thầy Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi Đánh giá năng lực ở TPHCM cho biết, 2 nguyên nhân chính khiến kỳ thi ĐGNL thu hút nhiều thí sinh là hình thức thi tốt nghiệp THPT 2025 có nhiều thay đổi và gần đây nhiều trường đã xét tuyển bằng phương thức thi ĐGNL.
"Kỳ thi ĐGNL cơ bản vẫn giữ nguyên hình thức trắc nghiệm nên học sinh cảm thấy dễ chịu, quen thuộc. Cấu trúc đề cũng phù hợp với nhiều thí sinh, những em học đều các môn sẽ có ưu thế", thầy chia sẻ.
Trước băn khoăn nhiều thí sinh đổ xô thi ĐGNL sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh cao, thầy Công lý giải, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên chỉ có hơn 100.000 em thi ĐGNL, chiếm khoảng 10%.
"Vì thế, đây vẫn là kỳ thi tiềm năng, nhiều cơ hội. Đề thi ĐGNL cũng khó bão hòa vì tính phân hóa cao, chưa từng có thí sinh đạt điểm tối đa", thầy nói.
Về việc thí sinh mải mê luyện thi ĐGNL, bỏ quên kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Công cho hay, thực chất kiến thức ĐGNL cũng là nền tảng để thi tốt nghiệp. Quan trọng là học sinh cần xác định phương thức phù hợp với bản thân.
"Nếu chọn thi tổ hợp, các em nên tập trung vào thế mạnh. Nếu xác định thi ĐGNL thì học sinh cần học đều các môn. Nhiều em ôm đồm, ôn luyện song song dẫn đến quá tải, học không hiệu quả", thầy Công đúc kết.
Hiện nay, nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Trong đó, kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM thu hút đông đảo thí sinh tham gia, được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả xét tuyển.
Cấu trúc đề thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, 3 phần kiến thức: Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề.
Trong đó, ở phần giải quyết vấn đề, thí sinh được chọn 3 trong số 6 nhóm lĩnh vực gồm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Thí sinh làm bài trong 150 phút, điểm tối đa là 1.200.
3 môn tự chọn xã hội có được xét tuyển ngành tự nhiên? Theo đề thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025, phần Giải quyết vấn đề được chọn 3 trong 6 nhóm lĩnh vực, nhiều thí sinh thắc mắc nếu chọn các môn đều ở khối xã hội thì có được xét các ngành tự nhiên, kỹ thuật hoặc ngược lại. Phản hồi thông tin trên, thầy Bùi Văn Công chia sẻ, đây là câu hỏi của rất nhiều thí sinh. Các em cần theo dõi đề án tuyển sinh của các trường, chọn môn phù hợp với chuyên ngành để tránh mâu thuẫn. "Sẽ rất khó để thí sinh chọn văn, sử, địa thi vào khối ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin và theo kịp chương trình đào tạo sau đó. Vì vậy, các trường cần công bố các tiêu chí rõ ràng sớm để thí sinh làm căn cứ tuyển sinh", thầy Công chia sẻ thêm. |
Theo dantri.com.vn