Khách Việt kẹt ở 'thiên đường'

Thứ 7, 23.05.2020 | 11:11:53
523 lượt xem

Cạn kiệt tiền khi kẹt lại lãnh nguyên hoang vắng, Lê Giang sống với người chăn tuần lộc và nhận nhiều hỗ trợ của người dân suốt hai tháng.

"Tôi chưa từng ở nhà bà con, họ hàng quá 3, 4 ngày nhưng lại 'ăn nhờ ở đậu' nhà một người bạn nơi xa xôi tới 2 tháng. Họ cưu mang, giúp đỡ tôi như một phần gia đình, tặng tôi chú tuần lộc và dặn ghé thăm nó khi có dịp quay trở lại đây", anh nhớ về những ngày tháng kẹt lại làng Kautokeino và đảo Soroya vì Covid-19.

Ngày 22/2, Hoàng Lê Giang, 32 tuổi, sống tại TP HCM, xuất phát tới Mông Cổ, với đích đến là thành phố Ulgii ở cực Tây đất nước, nơi sinh sống của những thợ săn đại bàng. Khi bay nối chặng từ thủ đô Ulaanbaatar tới đây, đoàn của anh phải cách ly vì trên máy bay có một người dân vừa trở về từ Hàn Quốc và một số thành viên có thân nhiệt cao. Anh phải cách ly tập trung 3 ngày và 11 ngày cách ly tại gia, chỉ được di chuyển trong thành phố. 

Theo kế hoạch, khi hết cách ly, anh sẽ trở về Việt Nam và cùng nhóm bạn khởi hành đi Na Uy. Những người trở về từ nước ngoài phải cách ly 14 ngày, nên anh quyết định khởi hành từ Mông Cổ, qua Nga, Pháp và đến đích là làng Kautokeino, gần thành phố Alta ngày 9/3.

Trước đấy, anh dự định sẽ theo chân người của bộ tộc Sami tới 17/3, sau đó đến Thụy Điển thăm trường cũ và về Việt Nam vào cuối tháng, với vé máy bay đặt trước. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới phong tỏa và hủy bỏ các chuyến bay, anh chính thức kẹt lại trên lãnh nguyên hoang vắng.

Những ngày ở 'thiên đường'

Thời gian đầu, nỗi lo lớn nhất của anh là không biết ngày về, số tiền mang đi có hạn và chi phí sống ở quốc gia này rất đắt đỏ, cùng việc vé máy bay về đã bị hủy bỏ. Đặc biệt, ở đây thời tiết lạnh, ban đêm nhiệt độ có thể xuống tới âm 20 độ C. Anh không có bạn bè đi cùng nhưng may mắn được một người trong bộ tộc Sami ngỏ ý cho ở cùng, trong cabin trên núi và phụ giúp họ chăn tuần lộc. 

Ở đây không có điện, nước, sóng điện thoại nên anh tập quen với điều kiện sống mới, hàng ngày đi lấy củi, gánh nước và học lái xe trượt tuyết để chở hàng hóa, xăng, bánh mì, khoai tây. Ngoài chăn tuần lộc, anh dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, viết thư về gia đình, nấu các món ăn Việt Nam cho những người bạn và ra ngoài vào ban đêm để ngắm cực quang. Cứ 10 ngày đến 2 tuần, anh cùng họ trở về thành phố để mua thêm hàng hóa, lương thực. Tại đây, anh có thể tranh thủ liên lạc với  người thân.

Trong thời gian học lái xe, anh gặp nhiều khó khăn như tuyết lún, lạc đường hay hỏng xe. Ảnh: NVCC.


Trong thời gian học lái xe, anh gặp nhiều khó khăn như tuyết lún, lạc đường hay hỏng xe. Ảnh: NVCC.

Khi mùa đông sắp kết thúc, đàn tuần lộc khoảng 1.000 con di cư tới đảo Soroya để kiếm ăn và chào đón con non. Tại đây, anh được chứng kiến mùa xuân với một ngày mặt trời không lặn, tận hưởng không khí trong lành, khám phá khung cảnh đẹp. Vì vậy, anh gọi nơi đây là thiên đường.

"Đặc biệt, trong chuyến đi mình nhận được nhiều sự tử tế", anh kể, khi câu chuyện của bản thân xuất hiện trên báo đài tỉnh Finnmark, đài truyền hình quốc gia, rất nhiều người quan tâm và giúp đỡ anh. Những người bạn ở tỉnh khác, anh đã từng gặp một lần, không ngần ngại mời anh về ở chung nếu gặp khó khăn.

Ngày đầu tiên lên đảo, một người hàng xóm lớn tuổi mang theo mì, miến, dầu hào, đồ ăn châu Á tới tặng, vì lo anh nhớ nhà. Mẹ của người chăn tuần lộc may cho anh găng tay bằng lông cừu và tất để giữ ấm. Rồi ngày biết tin anh được về Việt Nam, người phụ nữ gần đó làm cho anh bánh waffle, kèm mứt dâu và dặn gói mang theo trên đường, không quên tặng một chai cồn rửa tay.

"Chuyến đi lần này với tôi là một món quà, tôi được nhiều hơn mất, khi gặp những người tốt bụng, biết cảm thông, đặt mình vào vị trí của tôi, họ lo tôi buồn và nhớ nhà", anh nói. 

Hành trình gian nan về nước

Trong thời gian mắc kẹt, anh liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy, ngoài ra là Đức, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha vì biết đây là những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống, có cơ hội về nước cao hơn. Khi biết có chuyến bay về Việt Nam từ Đức, anh đã xin công hàm của đại sứ quán để di chuyển tới đây.

Sau tổng cộng 5 chuyến bay, ngày 16/5, anh về nước và hiện cách ly tập trung tại Đà Nẵng. Anh cảm thấy may mắn vì được về nước sớm, để có thể tiếp tục công việc và gia đình bớt lo lắng, dù có nuối tiếc vì chưa kịp cùng những người bạn đi đánh bắt cá tuyết. Trên từng chặng về nhà, anh vẫn nhận được nhiều lời hỏi thăm từ họ.

Nils, người bạn giúp đỡ anh trong những ngày tháng mắc kẹt. Ảnh: NVCC.

Nils, người bạn giúp đỡ anh trong những ngày tháng mắc kẹt. Ảnh: NVCC.

Theo Giang, chuyến đi không biết đích đến, không rõ ngày về giúp anh thấu hiểu bản thân và có cái nhìn mới về du lịch. Ở nơi hoang vu, lạnh giá, anh được sống tách khỏi sóng điện thoại, mạng Internet. Một ngày, không còn quá lo lắng, để ý ngày mai sẽ làm gì, đi đâu, mà tập trung quan sát tâm trạng của mình, học hỏi những điều mới, biết ơn và cảm nhận thiên nhiên. 

"Cuộc đời mình lướt qua không biết bao nhiêu người và cao xanh luôn có những dấu hiệu nhắc nhở mình hãy tử tế hơn với người xung quanh bằng ý nghĩ, hành động, lời nói", anh chia sẻ.

Ngay sau khi được về Sài Gòn, điều đầu tiên anh làm là thưởng thức cà phê sữa đá, ăn những món anh nhớ như cơm tấm, bún bò, bún đậu mắm tôm... 


Lan Hương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/khach-viet-ket-o-thien-duong-4102755.html

  • Từ khóa