Giờ đây, khi đến huyện Tràng Định, nhất là khu vực thị trấn Thất Khê dễ dàng nhận thấy sự đổi thay về kinh tế, hàng loạt nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tiện ích với các dịch vụ sôi động dọc trục quốc lộ 4A được mở mới. Không chỉ phát triển các loại hình thương mại truyền thống, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình mà đã có sự góp mặt của các đại lý, siêu thị, trung tâm mua sắm có thương hiệu lớn như: Điện máy xanh, Thế giới di động…
Cùng với đó, những năm gần đây, hệ thống 6 chợ, gồm một chợ đạt tiêu chuẩn hạng 3 (chợ Thất Khê) và 5 chợ đạt tiêu chuẩn hạng IV (chợ xã) của Tràng Định đã được huyện quan tâm, thu hút nguồn lực để đầu tư nâng cấp. Trong đó, chợ Thất Khê đã được giao cho đơn vị tư nhân là HTX Thương mại Việt Phương quản lý, khai thác hiệu quả từ năm 2018, đang trong quá trình nâng cấp lên tiêu chuẩn chợ hạng II với đầy đủ dịch vụ như: trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, vệ sinh công cộng, dịch vụ kiểm tra chất lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân và thương nhân tại chợ.
Hoạt động sang tải hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Nà Nưa
Hiện tại, thành phần kinh tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ của huyện Tràng Định ngày một tăng mạnh. Theo ông Nông Văn Lâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Tràng Định, trong giai đoạn 2015 – 2019, toàn huyện có 667 hộ đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn là 186,4 tỷ đồng, tăng 17,84% so với năm 2015; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 12,5% so với giai đoạn 2011 – 2015. Những con số này cho thấy sự phát triển về thương mại nội địa của Tràng Định những năm gần đây.
Ngoài ra, Tràng Định còn có lợi thế về thương mại biên giới với cửa khẩu Nà Nưa và Bình Nghi. Đến nay, cả 2 cửa khẩu đều đã được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bến, bãi hiện đại. Như tại cửa khẩu Bình Nghi hiện có 4 bến, bãi được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới đáp ứng tốt điều kiện kho tàng, bảo quản, bốc xếp, thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu. Các cửa khẩu đều đã có đủ hệ thống kho nóng, kho lạnh đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá qua địa bàn.
Qua đó, những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn huyện Tràng Định luôn duy trì ổn định và phát triển, phát huy được vai trò quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020 đạt 3.669,6 triệu USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương bình quân tăng 5,16%/năm.
Sự phát triển của thương mại nội địa và biên giới đã đưa tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành thương mại – dịch vụ của huyện Tràng Định giai đoạn 2016 – 2020 ước tăng 12,4% (vượt 2,4% mục tiêu đề ra); cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó, lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng khá cao ước tính chiếm 39,07% trong cơ cấu kinh tế (trong năm 2020). Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế huyện, ước tăng 11% bình quân 5 năm giai đoạn 2015 – 2020.
Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển thương mại – dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, chuyên gia về lĩnh vực để đào tạo, tập huấn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhất là cán bộ chuyên trách trong bộ máy quản lý nhà nước để nâng cao nhận thức về đổi mới môi trường đầu tư và kinh doanh. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình thích hợp để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn.
YÊN SƠN/baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/285659-trang-dinh-huy-dong-nguon-luc-phat-trien-thuong-mai-dich-vu.html