Từ cuối năm 2022 đến nay, huyện Văn Lãng đã triển khai dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" hiệu quả. Qua đó, góp phần tạo tiền đề để người dân mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, tạo sinh kế và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân thôn Còn Ngòa, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng chăm sóc đàn bò được hỗ trợ từ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Là một trong những hộ cận nghèo được lựa chọn tham gia dự án, năm 2023, gia đình bà Lộc Thị Yến, thôn Còn Ngòa, xã Thụy Hùng được hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Bà Yến chia sẻ: Gia đình tôi thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, ngô nên quanh năm vẫn còn khó khăn. Từ khi biết gia đình được tham gia dự án, tôi đã chủ động xây dựng chuồng trại phù hợp và trồng thêm 2 sào cỏ voi để phục vụ chăn nuôi bò. Sau khi được hỗ trợ 2 con bò cái, gia đình đã mang đi phối giống, đến nay, 2 con bò phát triển rất tốt và đẻ thêm 2 con bê. Gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để đàn bò phát triển khỏe mạnh, tạo sinh kế bền vững, phấn đấu vươn lên.
Không chỉ gia đình bà Yến, thời gian qua, trên địa bàn xã Thụy Hùng đã có 12 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản để có thêm sinh kế phát triển sản xuất, với tổng đàn 24 con với kinh phí 500 triệu đồng. Ông Lâm Văn Tần, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng cho biết: Để triển khai dự án hiệu quả, chúng tôi rà soát và lựa chọn các hộ khó khăn thực sự cần đến nguồn hỗ trợ và đề xuất với huyện. Hằng năm, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 - 4 lớp tập huấn để các hộ có thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi… Qua đó, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò, nhờ đó mô hình được hỗ trợ bước đầu đã mang lại sinh kế, từng bước tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện, các con bò hỗ trợ đều phát triển khỏe mạnh và sinh được 7 con bê.
"Những năm qua, huyện Văn Lãng đã triển khai có hiệu quả dự án 2, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần giúp người dân các xã đặc biệt khó khăn có thêm sinh kế để từng bước vươn lên phát triển kinh tế. Đây cũng là 1 trong 2 huyện triển khai có hiệu quả dự án 2 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bước đầu góp phần làm thay đổi ý thức của người dân, bà con có trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì và phát triển sản xuất từ nguồn vốn được hỗ trợ." Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững được ngân sách nhà nước bố trí vốn từ năm 2022, đối tượng thụ hưởng dự án là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.
Theo đó, từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã triển khai 17 mô hình đa dạng hóa sinh kế, trong đó chủ yếu là mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại các xã đặc biệt khó khăn, với 78 hộ tham gia, hiện nay đã cấp 163 con bò cho các hộ dân tham gia dự án. Còn lại là mô hình trồng cây dược liệu (cây thổ phục linh) với 18 hộ tham gia; mô hình trồng cây hồng vành khuyên với 26 hộ tham gia.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các cơ quan chuyên môn huyện đã quan tâm, hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã nhân rộng thêm được 21 con bê, 6 con bò cái đang mang thai; mô hình trồng cây thổ phục linh phát triển tốt trên diện tích 7,1ha; mô hình trồng cây hồng vành khuyên phát triển tốt trên diện tích 13 ha...
Bà Chu Thị Bích Hảo, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Nguồn hỗ trợ từ dự án không chỉ góp phần tạo sinh kế mà còn tạo tiền đề quan trọng để người dân mở rộng, phát triển mô hình sản xuất, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã theo sát việc thực hiện dự án của các hộ dân, tổ chức kiểm tra, giám sát các xã trong quá trình thực hiện, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ người dân các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao. Từ nay đến hết năm 2024, huyện tiếp tục giải ngân nguồn vốn triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả; hỗ trợ phân bón phát triển cây hồi; dự án trồng cây hồng vành khuyên và dự án nuôi cá lồng cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Có thể khẳng định, dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" đã và đang tiếp sức cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Văn Lãng có thêm sinh kế, tạo tiền đề để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo baolangson.vn