Bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Thứ 4, 20.11.2024 | 09:09:44
58 lượt xem

Hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn, việc vận chuyển, tiêu thụ động vật tăng mạnh..., những yếu tố đó khiến cho nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao, nhất là bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các đơn vị liên quan đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Người dân xã Cường Lợi, huyện Đình Lập chăm sóc đàn gà

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 56.000 con trâu, hơn 28.900 con bò, trên 170.000 con lợn và khoảng 4,9 triệu con gia cầm. Thời điểm này, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ phát sinh dịch bệnh

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh bùng phát DTLCP, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ cuối tháng 5/2024, DTLCP bùng phát và có chiều hướng tiếp tục lây lan ra diện rộng. Đặc biệt giai đoạn từ ngày 20/5/2024 đến ngày 30/6/2024, DTLCP bùng phát mạnh (phát sinh 125 ổ bệnh, chiếm 62% tổng số ổ bệnh của 9 tháng; số lợn chết và tiêu hủy trên 12.000 con lợn). Tính từ đầu năm tới nay, cả tỉnh đã xuất hiện 208 ổ dịch bệnh DTLCP tại 11 huyện, thành phố, số lợn chết và tiêu hủy trên 16.000 con.

Trước thực tế đó, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đến thời điểm này, bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát (trên 96% số ổ bệnh đã qua 21 ngày), tuy nhiên, còn một số ổ dịch vừa qua 21 ngày nhưng lại phát sinh lợn bị bệnh DTLCP.

Theo công văn số 1740 của UBND tỉnh ngày 16/11/2024 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật dịp cuối năm 2024 và đầu năm 2025, UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai các nội dung sau nhằm đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi:

- Chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật...

- Tổ chức thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh động vật. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Đối với bệnh DTLCP, mầm bệnh vẫn còn tồn lưu ngoài môi trường gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát sinh dịch bệnh, vì vậy cần tăng cường công tác giám sát phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời không để lây lan dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và các bước tái đàn lợn theo quy định.

- Khẩn trương hoàn thành các chương trình tiêm phòng vắc - xin cho vật nuôi đợt 2 năm 2024 theo kế hoạch...  

Đơn cử như gia đình bà Hoàng Thị Thượng, thôn Nà Rào, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn đã phải tiêu hủy 10 con lợn bị DTLCP. Bà Thượng cho biết: Đầu tháng 10/2024, gia đình tôi đầu tư tái đàn với tổng số 10 con lợn. Tuy nhiên, qua gần 1 tháng chăm sóc, 1 con lợn của gia đình đã bị chết, cùng đó, 9 con còn lại có biểu hiện ăn kém, sốt. Trước tình hình đó, gia đình tôi đã thông báo cơ quan chuyên môn tới kiểm tra và lấy mẫu, kết quả, đàn lợn mắc DTLCP và phải tiêu hủy.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm này nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh động vật truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh như: cúm gia cầm, DTLCP... là rất cao.

Nguyên nhân là do hiện nay là thời điểm giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, cùng đó hiện nay cũng là thời điểm cuối năm, hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật gia tăng; các loại mầm bệnh đã lưu hành có tỷ lệ tương đối cao, ở phạm vi rộng ngoài môi trường;... Cùng đó, tỷ lệ tiêm phòng một số loại vắc xin cho đàn gia súc so với tổng đàn còn đạt thấp, chưa bảo đảm độ bao phủ.

Do vậy, việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi thời điểm này hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Để chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, nhất là dịch bệnh nguy hiểm, ngày 16/11/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1740 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi đã và đang được các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm. Bà Lành Thị Minh Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Thời điểm này, thời tiết chuyển mùa, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, cùng với đó, trên địa bàn huyện có 2 xã có ổ DLTCP đã qua 21 ngày nhưng lại phát sinh mới lợn bị bệnh. Do vậy, hiện nay, đơn vị đang tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn vật nuôi cho người dân. Trong đó, chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên, liên tục, hướng dẫn người dân các bước tái đàn đảm bảo an toàn. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa các loại dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi.

Tương tự huyện Cao Lộc, các đơn vị chuyên môn trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh cũng đã và đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật, trong đó, công tác tiêm phòng được đặt lên hàng đầu. Theo đó, trong tháng 10/2024, toàn tỉnh đã có 173.319 lượt con được tiêm phòng, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 tiêm được 2.076.548 lượt con (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể, tiêm phòng các loại bệnh trên trâu, bò được 3.376 lượt con (lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 tiêm được 87.054 lượt con); tiêm phòng lợn được 23.322 lượt con (lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 tiêm được 232.350 lượt con); tiêm phòng gia cầm được 146.621 lượt con (lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 tiêm được 1.687.864 lượt con).

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm như: chú trọng công tác tiêm phòng, thường xuyên phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại, bổ sung khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi…

Ông Vi Văn Cương, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập cho biết: Gia đình tôi vừa tái đàn gà được hơn 1 tháng với tổng đàn 1,5 nghìn con. Những tháng cuối năm, nhiệt độ thay đổi dễ phát sinh dịch bệnh, để tăng sức đề kháng, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, tôi đã lựa chọn con giống tại cơ sở uy tín. Đồng thời, trong quá trình chăn nuôi, tôi chủ động tiêm phòng vắc - xin định kỳ đầy đủ cho đàn gà, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi 1 – 2 lần/tuần, hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh đưa mầm bệnh từ khu vực khác vào... Nhờ đó, hiện đàn gà của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhờ sự tích cực, chủ động của ngành chuyên môn và người dân, thời điểm này, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, người dân cần chủ động tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn vật nuôi đầy đủ; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chuồng trại phải sạch sẽ thoáng mát, có các biện pháp che chắn những ngày rét đậm, rét hại; con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch; trước khi nhập đàn, con giống phải được nuôi cách ly ít nhất 3 tuần. Đồng thời, người chăn nuôi cần thực hiện quét dọn rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ đọng nước; phun thuốc sát trùng định kỳ xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi 1 lần/tuần cùng đó thực hiện “5 không” trong công tác phòng, chống dịch: không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường.

Thực tế cho thấy, thời điểm cuối năm 2024, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, các loại mầm bệnh đã lưu hành trong môi trường có tỷ lệ cao... Do vậy, bên cạnh các biện pháp của ngành chuyên môn, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức trong chăn nuôi, tiếp tục chủ động thực hiện đúng quy trình phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Qua đó, góp phần bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn chăn nuôi, phát triển theo hướng bền vững.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/bao-dam-an-toan-cho-dan-vat-nuoi-dip-cuoi-nam-5028379.html


  • Từ khóa