Thất bại khi làm ESG không phải là sự mất đi mà là có thêm bài học

Thứ 4, 20.11.2024 | 09:09:39
59 lượt xem

Theo ông Phan Minh Thông, doanh nghiệp thực thi ESG, nếu không làm thì sẽ không sai, nhưng làm nhiều quá thì phải sai. Tuy nhiên, sau khi gục ngã chúng ta phải tiếp tục đứng lên, lấy đó làm bài học.

Sáng 19/11, báo Dân trí tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi xanh theo ESG: Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực?". Tọa đàm này thuộc chuỗi sự kiện vệ tinh của Diễn đàn ESG Việt Nam. Diễn đàn năm nay được tổ chức ngày 25/12 với chủ đề "Diễn đàn ESG Việt Nam 2024: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới". 

Chia sẻ tại sự kiện, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, hay còn biết đến với tên gọi "Vua hồ tiêu", cho rằng thông điệp về chuyển đổi xanh tại Việt Nam chưa thật sự mạnh mẽ và thúc giục.

Theo ông, các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Bởi, mọi thứ đang rất quyết liệt ở bên ngoài Việt Nam.

Thất bại khi làm ESG không phải là sự mất đi mà là có thêm bài học - 1

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group (Ảnh: Nam Anh).

Thực thi ESG đang là xu hướng, nếu doanh nghiệp không nằm trong dòng chảy đó sẽ sớm bị đào thải. Nếu không làm, châu Âu sẽ ngắt hàng. Các lô hàng của Việt Nam khi đó sẽ không xuất khẩu được sang châu Âu mà không có phát triển bền vững.

Chia sẻ về quá trình phát triển bền vững tại doanh nghiệp mình, ông Thông cho biết công ty đã bắt đầu làm chương trình phát triển bền vững từ gần 16 năm trước. Thời điểm đó, các chứng nhận hay khái niệm về ESG vẫn còn rất mới mẻ và gần như chưa ai biết.

Công ty bắt tay vào làm nhưng chi phí khi đó rất lớn, một dự án đầu tư tính sơ hết khoảng 5 tỷ đồng vào năm 2010 (tương đương 250.000 USD) mà không có đơn vị tài trợ. Doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi, tự cân đối tài chính để làm chương trình dài hơi.

Từ 2010 đến năm 2012, công ty tiêu gần hết số tiền đó nhưng thất bại. Bởi khi các đơn vị tổ chức nước ngoài đến chứng nhận thì họ xuất hiện đột xuất ở cánh đồng, đến nhà máy mà không thông báo… và sau đó Phúc Sinh bị đánh trượt. 

Ngoài ra, nguyên do thất bại còn đến từ việc thời điểm đó không dễ để thuyết phục, quản lý hàng trăm, hàng nghìn nông hộ làm theo mô hình ESG. Chìa khóa giải quyết khó khăn nằm ở việc hiểu văn hóa người nông dân, hiểu văn hóa vùng miền, văn hóa canh tác, từ đó đồng hành cùng người làm nông.

"Sau khi gục ngã, chúng ta phải tiếp tục đứng lên. Sau thất bại không phải là mình mất đi mà là có thêm bài học, tất cả kiến thức, kinh nghiệm đã thẩm thấu vào con người, vào nhà máy, vào hợp đồng", vua tiêu chia sẻ. 

Sau đó, công ty dành 2 năm để nhìn lại, phân tích sự thất bại, kiên trì sửa lỗi và quyết định tiếp tục đầu tư bền vững. Đến năm 2014, Phúc Sinh gặt hái được kết quả khi trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành gia vị tại Việt Nam đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA - Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững).

Vấn đề phát triển bền vững đôi khi là việc bắt buộc phải làm, chứ không phải tự nguyện. Trong quá trình đó, mình lại có sự nhận thức và đồng lòng rằng những cái đấy là phát triển lâu bền cho con người Việt Nam, cho đất nước và cho những vùng sông suối.

Nếu không làm thì sẽ không sai, nhưng làm nhiều quá thì cũng phải sai. Nhưng sau đó mình phải sửa, phải phát triển với tinh thần cầu thị rồi sẽ vượt qua được các thách thức, ông Thông nhấn mạnh.

Trong vấn đề kinh doanh, các doanh nghiệp nếu làm thật sẽ vượt qua nhiều thử thách và nhẹ đầu khi đối mặt với khách hàng trên diện rộng. Khi có uy tín trên thị trường, các ngân hàng, các quỹ cũng sẽ tham gia giúp đỡ.

Các doanh nghiệp phải bắt tay vào làm chuyển đổi xanh. Với một nền tảng đang có, các đơn vị cần biết nên triển khai các bước ra sao, đánh giá thực trạng, lợi thế và điểm yếu của mình. Lợi thế sẽ giúp phát triển hơn, còn biết điểm yếu sẽ giúp các đơn vị nhanh chóng khắc phục, ông Thông nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/that-bai-khi-lam-esg-khong-phai-la-su-mat-di-ma-la-co-them-bai-hoc-20241119114658919.htm

  • Từ khóa