Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để đồng hành, hỗ trợ người dân, các ngân hàng đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, giải ngân cho vay kịp thời, đáp ứng nhu cầu về vốn giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Theo tổng hợp sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh, đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.809 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, dư nợ bị ảnh hưởng là trên 601 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ toàn địa bàn (trong đó, dư nợ bị thiệt hại là 226 tỷ đồng, chiếm 37,6% dư nợ bị ảnh hưởng).
Cán bộ Agribank Lộc Bình hướng dẫn người dân làm thủ tục miễn giảm lãi vay
Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank thực hiện giảm từ 0,5% - 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024. Cùng đó, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024, chi nhánh thực hiện giảm lãi suất 0,5%/năm theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân. Theo thống kê, đến nay, ngân hàng có 908 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với dư nợ 460,9 tỷ đồng; trong đó có 904 khách hàng được miễn giảm lãi vay và 5 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Anh Hoàng Hữu An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Tân Minh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, có vay trên 4,3 tỷ đồng của Agribank Văn Quan. Do ảnh hưởng của bão số 3, kho hàng chứa vật liệu xây dựng của công ty bị ngập nặng, ước thiệt hại trên 200 triệu đồng. Vừa qua, Agribank Văn Quan đã cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với công ty để thống kê thiệt hại, đồng thời giảm lãi suất 0,5%/năm đối với các khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp tại ngân hàng.
Không chỉ Agribank Lạng Sơn, để đồng hành, hỗ trợ với khách hàng trong giai đoạn khó khăn này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi vay; triển khai các gói tín dụng lãi suất thấp. Điển hình như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Lạng Sơn ban hành chương trình giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng với tổng quy mô 100.000 tỷ đồng, được triển khai từ ngày 20/9 đến hết ngày 31/12/2024; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Lạng Sơn triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay tối đa 2%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và tối đa 0,5% đối với lĩnh vực khác…
Tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ngay trong tháng 9, đơn vị đã tạm dừng thu lãi của các khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 đến hết 31/12/2024.
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của bão số 3, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn để xem xét trình cấp có thầm quyền xử lý rủi ro cho khách hàng. Hiện chi nhánh đã thực hiện dừng thu lãi đối với 2.500 khách hàng bị ảnh hưởng, dư nợ 150 tỷ đồng; lập hồ sơ trình NHCSXH xử lý rủi ro cho 137 khách hàng, tổng số tiền 8,5 tỷ đồng; xem xét gia hạn nợ do bị rủi ro cho trên 1.900 khách hàng, số tiền 126 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị đang tiến hành tổng hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng bị ảnh hưởng và thiệt hại của bão số 3 để trình NHCSXH và UBND tỉnh xem xét bố trí vốn để cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Gia đình anh Vương Hải Hậu, thôn Nà So - Nà Luông, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng là một trong những hộ vay vốn bị ảnh hưởng của bão số 3 được ngân hàng xem xét xử lý rủi ro. Anh Hậu chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2023, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để trồng 2 ha bạch đàn. Do ảnh hưởng của bão số 3, hơn một nửa diện tích bạch đàn bị gãy đổ hoàn toàn, không có khả năng phục hồi. Ngay sau đó, cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã đến kiểm tra, xem xét để khoanh nợ cho gia đình, nhờ đó giúp gia đình tôi yên tâm khôi phục sản xuất.
Nhờ sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng, các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đã được “tiếp sức” để vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo số liệu từ NHNN Chi nhánh tỉnh, đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 999 khách hàng với dư nợ 79,5 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 360 khách hàng, dư nợ 110,5 tỷ đồng; cho vay mới 7 khách hàng với số tiền 3 tỷ đồng.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đầy đủ các giải pháp, nhiệm vụ của ngành ngân hàng trên địa bàn theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh; tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Những chính sách đồng hành, hỗ trợ kịp thời của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện thuận lợi để những khách hàng chịu ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
“Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Trước những ảnh hưởng do mưa bão, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, gặp khó khăn trong việc phục hồi và duy trì sản xuất, do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh trong việc rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng của bão số 3. Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp như: cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất cho vay mới và cũ, đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi... Từ đó, thể hiện sự chung tay giữa ngân hàng với doanh nghiệp, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 có thêm “động lực” để vươn lên khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
|
Theo baolangson.vn