Thời gian qua, việc cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm khoai tây cho người dân được Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Vigia – khu cầu 20, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình tích cực thực hiện. Qua đó, nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho khoai tây tại một số huyện trên địa bàn.
Vụ khoai tây năm 2020, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hữu Khánh (xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình) phấn khởi vì không phải lo khâu tiêu thụ như trước đây. Bởi HTX liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Vigia. Theo đó, công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho thành viên HTX. Khi thu hoạch, Công ty thu mua toàn bộ khoai tây theo giá thị trường, mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Công nhân công ty phân loại khoai tây
Ông Vi Văn Lực, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, khi chưa liên kết với Công ty, việc trồng khoai tây gặp khó khăn không chỉ về khâu tiêu thụ, giá cả bấp bệnh, bị tư thương ép giá,… mà về khâu chọn giống để trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng còn hạn chế. Vì vậy, năng suất, giá trị khoai tây thấp, trung bình đạt 5 tạ/sào, giá bán có thời điểm như năm 2018 chỉ đạt từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/kg. Vụ khoai tây năm nay đang chuẩn bị thu hoạch xong, với diện tích 9 ha, được Công ty cung ứng giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng nên năng suất cao – đạt từ 7 tạ đến 8 tạ/sào, giá bán trung bình 7.500 đồng/kg, thời điểm giá cao lên tới 10.000 đồng/kg. Khoai tây thu hoạch đến đâu được công ty đến tận ruộng thu mua hết đến đó, không xảy ra tình trạng ế ẩm như trước đây. Thành viên HTX yên tâm sản xuất, vụ khoai tây năm 2020-2021, HTX tiếp tục liên kết với công ty trong sản xuất, tiêu thụ khoai tây.
Không chỉ HTX nông nghiệp Hữu Khánh, công ty còn liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây với nhiều xã trên địa bàn huyện Lộc Bình như: Đồng Bục, Khuất Xá, Tú Đoạn, Hữu Khánh, Yên Khoái, Xuân Mãn,… Công ty thông qua chính quyền xã, thôn hợp đồng với người dân, HTX để thực hiện liên kết sản xuất.
Lộc Bình là một trong những huyện trồng khoai tây lớn trong tỉnh, với diện tích trên 120 ha. Hiện nay, người dân đang tập trung thu hoạch. Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực tế những năm trước đây, việc tiêu thụ khoai tây trên địa bàn không ổn định, chủ yếu người dân bán cho tư thương, không có đơn vị doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, giá bán lên xuống không ổn định, người dân thường bị tư thương mua với giá thấp. Hiện nay, Công ty là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu khoai tây trên địa bàn huyện. Việc công ty liên kết sản xuất, thu mua khoai tây cho người dân góp phần tăng năng suất, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện nay, ngoài huyện Lộc Bình, công ty còn thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu khoai tây ở một số xã của các huyện: Đình Lập, Cao Lộc, Chi Lăng.
Ông Vi Văn Đức, Giám đốc công ty cho biết: Công ty thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 với lĩnh vực chủ yếu là nông nghiệp. Nhận thấy khoai tây có giá trị, nhưng việc đầu tư của người dân còn hạn chế, nhất là kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ. Vì vậy, công ty tập trung lĩnh vực liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các HTX, người dân. Theo đó, công ty cam kết thu mua toàn bộ khoai tây với mức giá theo giá thị trường, mức thấp nhất là 5.000 đồng/kg. Hiện công ty đang thu mua khoai tây cho người dân, từ đầu vụ đến nay đã thu mua khoảng 200 tấn khoai tây với mức giá trung bình từ 7.500 đồng-8.000 đồng/kg. Dự kiến công ty thu mua khoảng 600 tấn cho vụ khoai tây năm 2020. Thời gian tới, ngoài 4 huyện đã thực hiện liên kết như trên, công ty tiếp tục mở rộng liên kết với người dân các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Hữu Lũng.
Theo ông Đức, để sản xuất, bao tiêu khoai tây hiệu quả, người dân cần trồng tập trung thành vùng, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, khó quản lý cũng như thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh gây hại.
ĐỖ HOẠT/baolangson.vn