Hiện nay, bà con trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Trên diện tích đã gieo cấy và chuẩn bị gieo cấy bắt đầu xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ khác nhau. Trước tình hình đó, bà con đã và đang chủ động các biện pháp phòng trừ, không để hình thành ổ dịch gây hại.
Vụ xuân 2020, theo kế hoạch, toàn tỉnh gieo trồng hơn 15.000 ha lúa. Tính đến hết tháng 2 âm lịch, bà con đã cấy được 2.000 ha. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên diện tích lúa đã gieo cấy, hiện đã có hơn 1.500 ha nhiễm ốc bươu vàng, trong đó, gần 30 ha nhiễm nặng, mật độ từ 3 đến 4 con/m2, đến ngưỡng phải sử dụng các biện pháp phòng trừ. Diện tích này chủ yếu tập trung tại các huyện: Hữu Lũng, Văn Quan, Bắc Sơn.
Người dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng nhặt ốc bươu vàng hại lúa xuân
Vụ xuân này, gia đình bà Nông Thị Thoa, thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân đã cấy 6 sào lúa. Bà Thoa cho biết: Sau khi cấy, ngày nào gia đình cũng theo dõi, bắt ốc về bổ sung thức ăn cho vịt. Buổi sáng và chiều tối ốc cắn lúa mạnh nhất nên chúng tôi thường tranh thủ bắt ốc vào những thời điểm này. Khi thấy ốc xuất hiện nhiều với mật độ 3 đến 5 con/m2 tại 4 sào ruộng, gia đình đã mua thuốc để trừ ốc. Sau khi phun, lượng ốc giảm hẳn, lúa đang bắt đầu sinh trưởng tốt hơn.
Hữu Lũng là huyện bước vào vụ xuân sớm nhất của tỉnh, hiện nay, toàn huyện đã gieo cấy được hơn 1.000 ha. Ông Dương Mạnh Hùng, cán bộ phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: Trên 100% diện tích lúa đã cấy đều xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ thấp dưới 1 con/m2. Đối với diện tích nhiễm nặng, mật độ từ 3 đến 4 con/m2, bà con đã sớm phun thuốc diệt trừ. Hiện nay, trung tâm đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, lưu ý bà con theo dõi chặt chẽ, chủ động các biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng kịp thời, nhất là những diện tích lúa gieo thẳng và nhiễm ốc nặng từ mùa trước.
Tại huyện Bắc Sơn, đến cuối tháng 2 âm lịch, bà con đã gieo cấy được 200 ha lúa, đạt 30% kế hoạch. Trên diện tích đó đều xuất hiện ốc bươu vàng với mật độ thấp, từ 0,3 đến 1 con/m2, trong đó 15 ha nhiễm ốc nặng với mật độ từ 3 đến 4 con/m2. Để bảo vệ lúa non, bà con thường xuyên bắt ốc và chủ động phun thuốc để phòng trừ. Qua đó, không có diện tích lúa phải cấy dặm, không xuất hiện ổ dịch lớn gây nguy hại cho lúa non. Hiện nay, bà con đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp, đảm bảo diện tích lúa gieo trồng mới sinh trưởng ổn định.
Ốc bươu vàng là loài vật sinh sản, sinh trưởng nhanh, khi ốc xuất hiện với mật độ cao, nếu không phòng trừ kịp thời ốc sẽ ăn trụi lúa non, gây thiệt hại nặng về kinh tế. Để phòng trừ, bà con cần chú ý làm đất bằng phẳng, tránh để vùng trũng nước, chọn giống lúa tốt, chăm sóc bón phân đúng kỹ thuật đảm bảo lúa sinh trưởng khỏe mạnh. Khi ốc xuất hiện, cần triển khai ngay các biện pháp thủ công, biện pháp sinh học như: bắt ốc, trứng ốc, cắm cọc, bó lá đu đủ, xơ mít thành cuộn để dụ ốc… Với mật độ ốc cao, bà con có thể phun thuốc diệt ốc với một số loại thuốc phổ biến như: Snailicide 700 wp, VT-Dax 700 wp, Mossade 700 wp…
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chủ động của bà con, hiện lượng ốc bươu vàng đã giảm dần so với cùng kỳ năm trước. Tháng 3 âm lịch là thời gian bà con trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm gieo cấy lúa xuân. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều và ấm áp như hiện nay, bà con cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát sao tình hình lúa non ngay sau cấy để kịp thời triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, trong đó có ốc bươu vàng, đảm bảo sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
PHƯƠNG DUNG/baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/277998-chu-dong-phong-tru-oc-buou-vang-hai-lua-xuan.html