Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người dân và đang làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người. Thay vì trực tiếp đến các cửa hàng, siêu thị, người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua hàng trực tuyến (online).
Theo đó, rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua website, mạng xã hội Facebook, Zalo… với nhiều ưu đãi, đa dạng hình thức thanh toán, giao hàng tận nơi.
Người dân mua sắm online tại nhà trong mùa dịch Covid-19
Nếu như trước đây, cứ vào dịp cuối tuần, chị Hoàng Quỳnh Trang, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn thường xuyên đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm, vui chơi thì từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, gia đình chị đã hạn chế đến những nơi đông người. Chị Trang chia sẻ: “Tôi thấy việc mua sắm online cũng là một giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch bệnh, vì tôi không phải đi lại và tiếp xúc với nhiều người mà vẫn có thể mua đầy đủ các loại thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho gia đình; chỉ cần có điện thoại hoặc máy tính, vài phút lựa chọn mặt hàng, chờ đợi 20 – 30 phút để nhận hàng”.
Hình thức mua sắm trực tuyến đặc biệt phát huy tác dụng khi dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp. Tuy đây không phải hình thức mới mà đã có từ nhiều năm trước nhưng lượng khách hàng sử dụng hình thức mua sắm online trong thời gian này tăng đột biến khiến các doanh nghiệp, cửa hàng phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Qua khảo sát của phóng viên, sức mua của người dân tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng với những mặt hàng như: khẩu trang y tế, nước rửa tay, đồ gia dụng, các loại thực phẩm, thời trang… với nhiều chủng loại đa dạng, giá cả cạnh tranh. Hiện nay, tại Lạng Sơn có hàng chục địa chỉ các nhóm mua, bán online đang thịnh hành trên mạng xã hội Facebook như: Chợ Lạng Sơn – Mua bán, Trao đổi hàng hóa online với 57.620 thành viên; nhóm Chợ Lạng Sơn (142.500 thành viên); nhóm Chợ Lạng Sơn 24h (75.803 thành viên); nhóm Chợ Lạng Sơn – Nơi buôn bán, trao đổi, chia sẻ của người Xứ Lạng (14.660 thành viên)…
Ngoài ra, người dân trên địa bàn tỉnh cũng có thể mua sắm thông qua các trang web mua hàng uy tín như: giaohangtainha.vn (Công ty TNHH Thương mại, xây dựng Thiên Phú); muaremoigiay.com (Công ty TNHH Hà Đức)… hoặc các website mua sắm lớn toàn quốc như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… bằng các hình thức thanh toán qua thẻ ATM, thanh toán khi nhận hàng.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, xây dựng Thiên Phú cho biết: Những ngày qua, khách lựa chọn hình thức giao hàng tại nhà tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi có 200 đơn hàng, công ty đang tích cực triển khai các gói dịch vụ nhằm hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng mua sắm online với rất nhiều mặt hàng, đảm bảo chất lượng, giá cả bình ổn, miễn phí giao hàng nội thành, có chính sách đổi trả. Khách hàng chỉ cần chọn lựa mặt hàng và liên hệ công ty bằng các hình thức gọi điện trực tiếp hoặc đặt hàng qua trang web.
Bà Đỗ Thị Hậu, chủ shop quần áo Amonte, 16 Nguyễn Du, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Từ Tết Nguyên đán trở lại đây, doanh thu của cửa hàng tôi đã giảm hơn 1 nửa, dịch bệnh đã khiến nhiều người dân lo ngại khi đến những điểm đông người. Tuy nhiên, để bù lại lượng khách này, tôi đã đẩy mạnh hơn kênh bán hàng online, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook và khuyến khích khách hàng mua online bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá. Đặc biệt, từ ngày 29/3/2020, để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã phải thực hiện việc ngừng kinh doanh tại cửa hàng, do đó trong 1 tuần nay, các đơn đặt hàng online tăng gấp đôi so với trước khi có dịch”.
Không chỉ các doanh nghiệp, cửa hàng số lượng đơn hàng online tăng vọt mà các hàng ăn uống, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch cũng treo thông báo “không phục vụ tại chỗ, chỉ nhận ship”.
Ông Trần Hữu Giang, Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang quản lý 34 website thương mại điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Bộ Công thương phê duyệt hoạt động, trong thời điểm hiện nay doanh thu từ mua sắm trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20 đến 30%. Ngay từ khi có dịch bệnh, sở đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; gửi UBND các huyện, thành phố, quản lý thị trường các văn bản hướng dẫn các hoạt động kinh doanh buôn bán trong mùa dịch như: “Tăng cường bán hàng online, bán hàng qua điện thoại và thực hiện các hình thức bán và giao hàng tại nhà” để giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm mật độ tập trung đông người tại các địa điểm kinh doanh không cần thiết. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp khi kinh doanh online cần thực hiện đúng các biện pháp an toàn vệ sinh, dịch tễ. Ngay cả nhân viên kho vận, giao hàng cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Người dân cũng cần lựa chọn những địa chỉ uy tín để mua hàng trực tuyến, tránh “tiền mất tật mang”.
TUYẾT MAI – DƯƠNG DUYÊN/baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/280000-da-dang-hinh-thuc-mua-sam-online-trong-mua-dich-covid-19.html