Tờ New York Times nhận định 2022 là năm bùng nổ của ô tô điện, cùng với những chính sách của các quốc gia về khí thải. Dòng xe xanh này sẽ thách thức những nhà sản xuất ô tô chậm thay đổi.
Một chiếc xe bán tải F-150 Lightning, phiên bản chạy bằng pin của dòng xe F-150 phổ biến, đang được sản xuất tại nhà máy của Ford ở Dearborn, Michigan, Mỹ (Ảnh: New York Times).
Những năm vừa qua, ô tô điện (EV) phát triển chóng mặt trên thế giới. Hàng loạt các nhà sản xuất ô tô lâu đời, cùng với các công ty khởi nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp xe xanh này, đưa giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD.
Lợi ích mà ô tô điện mang lại cho các hãng xe và môi trường là rất lớn. Tại nhiều nước trên thế giới, xe điện liên tục đạt kỷ lục và ghi nhận doanh số vượt ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cho thấy sức hút của loại phương tiện không phát thải này.
Việc nhiều quốc gia đã đưa ra những chính sách ưu đãi cho xe điện hay phạt nặng các nhà sản xuất ô tô - nếu xe không đạt về tiêu chuẩn khí thải…, dẫn đến xe điện đang dần trở thành xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Bước ngoặt ngành công nghiệp ô tô
Năm 2021, doanh số bán ô tô điện đã tăng vọt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Trong khi doanh số ô tô truyền thống đình trệ, nhu cầu sử dụng xe điện tăng vọt, dẫn đến các nhà sản xuất ô tô không đáp ứng được nhu cầu người mua và phải đặt hàng trước.
Xe điện đang ở một thời điểm đột phá và sẽ trở thành xu hướng phổ biến trong năm tới, khi hàng loạt nhà sản xuất cho ra mắt nhiều mẫu ô tô chạy điện hơn.
Khoảng gần 9% lượng xe ô tô trên toàn thế giới được bán vào năm ngoái là xe điện, nhưng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) cho rằng 2022 sẽ là năm của "Cuộc diễu hành những chiếc ô tô chạy bằng pin".
Ban đầu có kế hoạch chế tạo 75.000 chiếc F-150 Lightning, nhưng giờ đây, Ford cho biết sẽ tăng gấp đôi sản lượng (Ảnh: New York Times).
Mặt khác, công ty Wedbush Securities ước tính rằng, ngành công nghiệp ô tô đang trên đà đầu tư lớn với khoảng 500 tỷ USD để chuyển đổi sang xe điện trong 5 năm tới.
Cụ thể, số tiền đó sẽ được dùng để xây dựng nhà máy, đào tạo công nhân, thiết kế phần mềm và nâng cấp các đại lý. Riêng tại Mỹ, hiện có hơn 12 nhà máy sản xuất pin và xe điện đang được lên kế hoạch và xây dựng.
Chia sẻ với tờ New York Time, giám đốc điều hành Volkswagen tại Mỹ, Scott Keogh chia sẻ: "Đây là một trong những chuyển đổi lớn nhất về ngành công nghiệp ô tô, cũng như trong lịch sử chủ nghĩa tư bản với những khoản chi và sứ mệnh rất lớn".
Sau ánh hào quang
Không phải tất cả đều được hưởng lợi khi ô tô điện bùng nổ. Như các nhà sản xuất bộ ống xả, hệ thống phun nhiên liệu và các bộ phận linh kiện khác trên ô tô truyền thống có thể đóng cửa, khiến nhiều công nhân mất việc làm.
Mặt trái của sự bùng nổ ô tô điện có thể dẫn đến mất việc làm, cũng như tăng giá xe điện (Ảnh: New York Times).
Ví dụ như tại Mỹ, thị trường hiện có khoảng 3 triệu công nhân sản xuất, bán linh kiện và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ôtô sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai. Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành cho biết, lắp ráp xe điện sẽ cần ít nhân lực, cũng như linh kiện cấu thành.
Bên cạnh đó, các thành phần pin xe điện như lithium, niken và coban trở nên được săn lùng nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch. Kéo theo giá các loại vật liệu này tăng chóng mặt, ảnh hưởng về doanh số ô tô điện của nhà sản xuất và làm tăng giá xe.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện có nhiều hạn chế do thiếu những trạm sạc pin, khiến loại phương tiện này kém hấp dẫn hơn đối với những người lái xe đường dài hoặc hộ dân sống tại chung cư với số lượng cổng sạc ít ỏi, mà không thể sạc tại nhà riêng.
Đơn cử, tại Mỹ hiện có gần 50.000 trạm sạc công cộng. Mặc dù dự luật cơ sở hạ tầng của nước này đã được thông qua với khoản chi 7,5 tỷ USD để lắp đặt 500.000 bộ sạc mới, nhưng các chuyên gia nhận định rằng con số đó vẫn là quá nhỏ.
Việc lắp đặt thêm các trạm sạc xe điện mất nhiều thời gian, nhưng những lợi ích lâu dài về khí hậu mà ô tô điện mang lại là điều không thể phủ nhận. Cùng với việc loại bỏ hơn 250 triệu ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, có thể mất nhiều thập kỷ, trừ khi chính phủ các quốc gia đưa ra nhiều ưu đãi lớn cho người mua dùng xe điện.
Ô tô điện - xu hướng tất yếu
Công ty Tesla hiện đang được hưởng lợi lớn nhất về xe điện, là mối đe dọa đối với trật tự ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Hiện tại, công ty đã giao gần một triệu ô tô điện vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2020.
Dù sinh sau đẻ muộn nhưng Tesla nhanh chóng dẫn đầu về ngành công nghiệp ô tô điện, mức vốn hóa của Tesla đạt mức 1.000 tỷ USD (Ảnh: New York Times).
Dù Tesla vẫn còn nhỏ so với những gã khổng lồ ô tô truyền thống lâu đời, nhưng lại đang dẫn đầu phân khúc xe điện và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Phố Wall nhận định, mức vốn hóa của công ty đã chạm mốc 1 nghìn tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với tập đoàn General Motors (GM).
Nhiều chuyên gia cho rằng, xe điện thực sự bùng nổ khi có giá rẻ hơn xe xăng cùng loại. Với việc nhận thức về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng cao, cũng như sử dụng xe điện tiết kiệm nhiều chi phí, dẫn đến ngày càng nhiều khách hàng chi tiền để sở hữu ô tô điện.
Năm 2021, xe điện Porsche Taycan có doanh số vượt qua mẫu xe huyền thoại Porsche 911 của hãng hay như công ty Mercedes-Benz cũng đã bán được gần 100.000 xe điện vào năm 2021, tăng đến 90% so với năm trước.
Bên cạnh đó, hãng Ford cũng sớm bán mẫu xe bán tải chạy điện F-150 Lightning. Theo kế hoạch ban đầu, mẫu xe sẽ được sản xuất với số lượng 75.000 chiếc. Do nhu cầu quá mạnh nên công ty đã tăng gấp đôi sản lượng của dòng xe này với giá khởi điểm 40.000-90.000 USD.
Sức hút của mẫu xe F-150 Lightning lớn đến mức công ty Ford phải ngừng nhận đặt cọc khi số lượng đặt hàng trước lên đến 200.000 đơn.
Mặt khác, doanh số bán ô tô điện có thể còn cao hơn vào năm 2021, nhưng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến sản xuất ô tô bị tắc nghẽn. Điển hình như tập đoàn Volkswagen đã bán khoảng 17.000 xe SUV điện ID.4 tại Mỹ; nếu không có những ảnh hưởng trên thì con số này đã cao hơn khoảng 4 lần.
Doanh số xe điện liên tục đạt kỷ lục và mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất ô tô (Ảnh: The Verge).
Ở phân khúc cao cấp hơn, xe điện cũng đã có sự cạnh tranh với ô tô truyền thống, khi dòng xe xanh này ít tốn kém hơn rất nhiều về chi phí bảo dưỡng, vận hành hay nhiên liệu.
Tương tự Mỹ, doanh số ô tô điện tại châu Âu cũng đạt kỷ lục khi lần đầu tiên xe điện bán chạy hơn ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo nhà phân tích Matthias Schmidt, tại Anh ghi nhận với hơn 20% ô tô mới bán ra là xe điện vào năm 2021.
Điều này có được nhờ những quy định và chính sách mới của châu Âu đó là sẽ phạt những nhà sản xuất ô tô không đáp ứng được yêu cầu về khí thải.
Sự gia tăng của xe điện sẽ cải thiện chất lượng không khí và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Tại Nam California, ô tô điện đã có một tác động tốt đến môi trường, lượng khí thải nitơ oxit vào không khí đã giảm 4%. Theo một nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ), xe điện tốt hơn nhiều cho khí hậu so với ô tô truyền thống.
Đối với các hãng xe chậm phát triển và cung cấp xe điện ra thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới. Đơn cử như hãng xe Nhật Bản, Toyota vẫn chưa thể cho ra mắt mẫu xe thuần điện, hay hãng Ram vẫn chưa có kế hoạch đưa ra thị trường mẫu xe cạnh tranh với Ford F-150 Lightning cho đến năm 2024.
Trong khi các công ty Trung Quốc, như SAIC, đang tận dụng sự thay đổi công nghệ để thâm nhập vào châu Âu và các thị trường khác thì nhiều công ty khởi nghiệp như Lucid, Rivian hay Nio lại đang nhắm đến việc làm theo "sách" của Tesla.
Mẫu xe điện Chevrolet Bolt đã buộc phải triệu hồi vì nguy cơ cháy pin, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn General Motors (Ảnh: Guide Auto).
Sự phát triển nhanh chóng của ô tô điện sẽ mang lại thay đổi lớn đối với ngành công nghiệp ô tô, đồng thời giúp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, pin xe điện đang ngày càng có dung lượng lớn và rẻ hơn, hứa hẹn sẽ khiến cho thị trường xe điện trên thế giới bùng nổ trong những năm tới.
Đoàn Trung Nam/dantri.com.vn