Phan Ngọc Mẫn là người đứng sau nhiều siêu xe "kỳ quái" của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và giới siêu giàu Việt Nam. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, anh luôn giữ những quy tắc hành nghề 1-0-2 như: "Có tiền chưa chắc mua được", "không hiểu giá trị nhất quyết không bán"… khiến các vị đại gia nể phục.
Huy Hậu: Để tóm tắt con đường hơn 10 năm trong nghề "phục vụ" thú vui bạc tỷ cho giới siêu giàu Việt Nam, anh sẽ dùng từ gì?
Phan Ngọc Mẫn: Khác biệt!
Đó là lý do năm 2009 anh Đặng Lê Nguyên Vũ xuống xưởng tôi, đề nghị: "Anh cho em 10 phút, hãy tự nói về gara của mình". Nhưng đang trình bày đến phút thứ 2, vừa nhắc đến 2 từ "khác biệt", anh Vũ lập tức bảo tôi ngừng rồi ra hiệu trợ lý: "2 chiếc Jeep Wrangler và FJ Cruiser đăng kiểm xong, đưa xuống tôi độ".
Nhiều người hỏi tôi tại sao chiếc xe phiên bản đầu tiên ở Việt Nam, anh Vũ lại đồng ý dễ dàng vậy? Bởi khi đó anh ấy đang là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh ấy luôn khát khao tìm các sáng tạo trẻ, khác biệt và duy nhất.
Tôi đã đảm bảo các tiêu chí này!
Huy Hậu: Sự khác biệt ấy được thể hiện như thế nào trong quá trình ông làm việc với Đặng Lê Nguyên Vũ?
Phan Ngọc Mẫn: "Muốn làm gì thì làm, nhưng phải khác biệt và không được có chiếc thứ 2 trên thế giới". Trời ơi! Nghe xong yêu cầu đầu tiên của anh Vũ, tôi chỉ biết thốt lên: "Khó ác!".
Thứ nhất, thời điểm đó tôi chỉ mày mò học nghề độ xe 2 cầu hơn năm. Thứ hai, anh Vũ là doanh nhân quá nổi tiếng, nếu tôi "cắt xẻ" không khéo, không đẹp, không an toàn, xem như đem đam mê bỏ xó.
Giao xong 2 chiếc xe đầu, anh Vũ tiếp tục ra đề bài: "Cắt mui chiếc SUV BMW X5, biến nó thành xe quân sự". Bạn biết không? SUV là xe hạng sang, hệ thống an toàn rất nhiều nên cắt phần mui sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính an toàn. Ngoài ra, dòng xe Đức này xây dựng hệ thống điện chằng chịt, "hack" não vô cùng. Và sau cái gật đầu đó là 6 tháng trời tôi ăn nằm ở xưởng để hoàn thành.
Đến tận bây giờ, nói về số lượng xe độ, Đặng Lê Nguyên Vũ có hàng trăm chiếc. Các phiên bản trị giá triệu đô, hiếm tới mức đếm trên đầu ngón tay nhưng anh ấy vẫn thoải mái cắt đuôi cá, làm bánh sơ cua, bọc lưới để biến thành xe quân sự… Thậm chí, những chiếc mua cũ đã hoàn toàn mục nát, giá thay từng món phụ tùng có khi bằng nguyên con xe nhưng anh vẫn sẵn sàng bỏ 2-3 tỷ ra làm mới.
Độ chịu chơi của Đặng Lê Nguyên Vũ đã ở tầm châu Á. Bạn biết không? Nhiều siêu xe về Việt Nam, đăng kiểm xong là anh ấy mang ngay về nhà phủ bạt để sưu tầm, lâu lâu mới cử bảo vệ nổ máy sạc bình. Những con xe quái dị, độc lạ theo trường phái mình anh ấy thích thì đã được tôi cá nhân hóa, tức đo lường chiều cao anh Vũ rồi khóa toàn bộ kéo tới lui để chỉ có anh ấy mới ngồi vào được ghế.
Biết chắc không thể đăng kiểm, anh ấy bỏ qua luôn. Độ xong là mang về nơi anh sống, cuối tuần mới lấy ra chạy lòng vòng quanh trang trại chơi.
Tất cả chúng chưa từng một lần xuất hiện trước truyền thông.
Huy Hậu: Phản ứng mỗi lần nhận lại "chiến bào" độc nhất vô nhị ấy của Đặng Lê Nguyên Vũ ra sao?
Phan Ngọc Mẫn: Tôi nhớ mãi thời điểm ban đầu giao sản phẩm cho trợ lý, cảm giác rất hồi hộp.
Sang hôm sau, đang ngồi làm việc, điện thoại tôi bỗng reo tin nhắn: "Xe làm rất đẹp, cảm ơn em đã làm đúng ý anh muốn", tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tôi với anh Vũ rất ít cơ hội gặp nhau, thậm chí 2-3 năm rồi chưa thấy mặt. Nhưng chiếc nào về Việt Nam, anh Vũ lại giao xuống gara. Tôi đã "cắt" cho anh Vũ hơn trăm chiếc xe, riêng dòng SUV thì mười mấy chiếc, chi phí có khi vài chục triệu, có lúc 5-6 tỷ đồng nhưng mỗi con một vẻ, chưa bao giờ được trùng lặp.
Huy Hậu: Đã có nhiều vị đại gia xuống tay những 5-6 tỷ cho một lần được "cắt" xe như thế chưa?
Phan Ngọc Mẫn: Độ máu lửa của giới siêu giàu Việt Nam không thua bất kỳ nước nào trên thế giới đâu!
Ở gara của tôi, anh Đặng Lê Nguyên Vũ chưa phải người độ xe nhiều tiền nhất. Còn các đại gia, khách quý tận Sơn La, Lai Châu, Hải Phòng,… sẵn sàng chi hơn 10 tỷ đồng để "mần". Riêng TPHCM, một vài nhân vật tôi không tiện nói tên, dù không xuất hiện trên báo chí nhưng hiện nay họ đang sở hữu kho bãi hàng trăm siêu xe triệu đô.
Như năm 2017, vị doanh nhân kia trước hay lái UAZ-469 và GAZ-69 (dòng xe địa hình thời kỳ cũ của Nga - PV) đi công tác ở các công trường, đập thủy điện lớn tại Việt Nam. Đối với ông ấy, 2 chiếc xe ấy là chiến hữu, kỷ niệm thuở hàn vi.
Vì vậy, sau này, ông ấy đã lùng sục mua lại 2 con xe hiếm Land Rover Defender bán tải, Land Rover Defender 110 đời những năm 80 và đưa ra yêu cầu: "Hãy biến nó vừa dùng để tri ân 2 người bạn đồng hành cũ, vừa phải tối ưu, vượt hẳn dòng xe trẻ bây giờ".
Nghe xong, tôi há hốc mồm. Bởi tất cả dòng xe trên hoạt động nguyên lí bằng cơ, tiện nghi kém, chưa kể toàn bộ hệ thống động cơ, khung sườn… đều đã nát hết. Thử hỏi biến sắt vụn thành xe mới đã khó, huống hồ chạy được?
Tôi bắt đầu tìm kiếm phụ tùng nhỏ nhặt trên internet, ở xưởng sản xuất tại Mỹ, châu Âu. 3 năm sau, nó hoàn thành. Bề ngoài con xe vẫn cũ để ghi nhớ kỷ niệm, nhưng bên trong đã nâng cấp thành chiếc offroad bất khả chiến bại... ông ấy vui lắm!
Còn gần đây nhất là một đại gia TP.HCM muốn biến chiếc G63 bốn bánh sang sáu bánh. Trời ơi! Mần con xe ra như thế, mức chi phí sẽ đôn lên cao ngất ngưỡng. Riêng tiền nội thất thôi đã 120.000 USD, chưa kể thuế nhập về, phí thi công, lặp đặt phần mềm… Sơ sơ ít nhất 200.000 USD nhưng cậu ấy vui vẻ đồng ý ngay lập tức.
Huy Hậu: Làm việc với giới siêu giàu, tiền không phải vấn đề khó khăn, vậy điều gì mới làm khó được ông?
Phan Ngọc Mẫn: Nói thẳng, vì siêu xe đã là đam mê ăn trong máu nên giới siêu giàu sẵn sàng chi tiền khủng, miễn "con cưng" của họ đẹp và độc nhất.
Nhưng những người tìm tới tôi chủ yếu là doanh nhân, chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành các tập đoàn lớn,… vì vậy đầu óc của họ khủng khiếp lắm! Tất cả công nghệ, máy móc, cái gì liên quan tới xe cộ đều đã nằm trong tầm kiểm soát của họ rồi.
Thứ 2, mong muốn của giới siêu giàu Việt Nam rất cao. Ví dụ như cùng con xe, người ta nghĩ chỉ cần độ gầm cao, vượt suối "là Ok". Còn với họ, cũng qua suối nhưng đòi hỏi sao cho chỉ cần nhấn một nút là lập tức băng qua ngay.
Mỗi năm tôi đều dành nhiều thời gian tham gia các hội thảo, hội chợ về độ xe tại Mỹ, Thái Lan, Đức… để học hỏi kiến thức, mời chuyên gia về Việt Nam cùng thực hiện.
Như gần đây, sau khi nâng cấp toàn bộ ngoại nội thất cho cặp xe Jeep Wrangler Rubicon đời 2006, 2007, tôi đã nhờ chuyên gia Panama sang Việt Nam để tăng công suất.
Lúc đó, Jeep Wrangler Rubicon 2006 là đời cũ nên khi gắn hệ thống động cơ vào nó kích ứng, giựt liền. Chúng tôi phải mất liên tục 4 tháng để độ đi độ lại.
Huy Hậu: Ông đã nhiều lần trải qua tình trạng "lên bờ xuống ruộng" như thế chưa?
Phan Ngọc Mẫn: Cơ cấu của mỗi con siêu xe hoàn toàn khác nên không bao giờ một phát ăn ngay được!
Tôi nhớ, cách đây vài năm làm BMW i8 cho anh Đặng Lê Nguyên Vũ. Bình thường, nó đã rất mạnh, nhưng anh Vũ vẫn chưa hài lòng nên muốn độ thêm.
Tôi và chuyên gia nước ngoài phải mất nhiều tháng thực hiện. Đến khi thử nghiệm, con BMW i8 mạnh tới mức khiến người lái không kiềm nổi, lạng tay lọt luôn xuống hố, bể mâm, méo toàn bộ hệ thống truyền động…
Tôi phải lập tức gọi điện cho anh Vũ trình bày, xin phép giữ xe sửa chữa và chịu hoàn toàn chi phí.
Huy Hậu: Đổi lại, thù lao anh của anh khi làm việc với giới siêu giàu của ông như thế nào?
Phan Ngọc Mẫn: Tiền bạc đối với họ dễ dàng lắm, nhưng đó không phải thứ đầu tiên tôi nghĩ đến.
Thú thật, một chiếc xe dám nhận "cắt sửa", tôi thường tự mình nghiên cứu, truy tìm vật tư, thuế… và chỉ lấy tiền khi khách hài lòng. Thậm chí có chiếc tôi dành hẳn 3 năm để độ. Thử hỏi với 1 tỷ đồng trong 3 năm, trừ đi chi phí, tiền công sẽ bao nhiêu?
Tôi đến nghề offroad này bằng đam mê. Vì vậy, khi người ta sẵn sàng giao xe để tôi thỏa đam mê, được làm nghề, được học hỏi kinh nghiệm… tôi phải cảm ơn họ.
Nên năm 2009, khi mở gara để "cắt" những chiếc xe hiếm trên thế giới, nhiều người chửi tôi lắm! Họ bảo: "Mấy thằng khùng, hết chuyện làm, xe vậy đem cắt ra". May mắn gia đình, vợ con tôi vẫn ủng hộ. Chúng tôi còn có một công ty riêng để duy trì thu nhập.
Thế nhưng, trong nghề, tôi luôn có những quy tắc riêng.
Huy Hậu: Quy tắc đó là gì vậy?
Phan Ngọc Mẫn: Giới siêu giàu rất thích quái - độc - lạ, nên thường có nhiều yêu cầu cầu kỳ như: tháo bung toàn bộ hệ thống để thay mới, cắt đầu, cắt đuôi, nâng gầm cao hơn mét vượt được sông… Nhiều vị còn không muốn đưa "con cưng" vào gara, đã chi tiền mới chúng tôi ra tận nhà để độ.
Đối với tôi, bài toán khó khăn mức nào, chỉ cần giúp siêu xe nâng cấp lên bất khả chiến bại thì tôi luôn sẵn sàng đáp ứng.
Nhưng có khách hàng tới, yêu cầu tôi gắn dàn 6 chiếc đèn khủng lên mui xe để thật hầm hố. Thú thật, nếu vì doanh thu, tôi chắc chắn sẽ làm. Nhưng nó không đẹp, tôi vẫn thẳng thắn: "Xin lỗi, làm vậy rất kỳ cục nên em không nhận".
Mấy thứ đại gia muốn mà hoàn toàn không thẩm mỹ, không an toàn… tôi không làm. Thậm chí, đã có vị sẵn sàng trả giá cao, tôi vẫn nhất quyết không bán vì họ không hiểu được giá trị vô giá của nó.
Huy Hậu: Những chiếc xe vô giá nào mà anh tâm đắc nhất ấy là như thế nào?
Phan Ngọc Mẫn: Năm 2009, trong một lần chạy offroad trên Đắk Nông, dù đã trang bị nhiều hàng khủng, xe tôi vẫn chào thua một lỗ sình giữa rừng dù trang bị toàn hàng "khủng".
Đúng lúc đó, một chiếc M-37 ở đâu lù lù tiến tới. Phía sau nó chở cả một thùng gỗ nhưng vẫn hiên ngang vượt hố sình. Cả nhóm offroad sốc!
Dodge M-37 được mệnh danh là "vua chiến trường" do Mỹ sản xuất và có xuất hiện ở Việt Nam trong chiến tranh. Đến nay, nó chỉ còn vài chiếc phục vụ trong quân đội, chở gỗ,… còn lại gần như tuyệt chủng.
Trở về nhà, tôi nhất nhất chinh phục con M-37 để phục dựng. Cuối cùng tôi tìm thấy nó ở một đống phế liệu tại Long Thành (Đồng Nai) với giá 20 triệu đồng, trong khi phí vận chuyển đã chiếm phân nửa.
Mang nó về, tôi bỏ ra 500 triệu, tu sửa liên tục trong 10 năm để nó thể chạy được. Đến nay, tôi vẫn tự hào vì phục dựng M-37 bằng toàn bộ đồ zin chính hãng và gần như mới 100%. Nhiều đại gia đã ngỏ ý mua trưng bày nhưng tôi không bán.
Huy Hậu: Ông không sợ mất lòng sao, khi đang làm trong ngành dịch vụ và phục vụ cho giới siêu giàu?
Phan Ngọc Mẫn: Với tôi, mỗi chiếc xe là một tác phẩm nghệ thuật. Dù độ vài triệu hay vài tỷ đồng, nó phải đẹp mắt ta trước khi ra mắt người. Ngoài độc lạ, còn có tính thẩm mỹ, đúng công năng và giá trị.
Nếu không bạn không bao giờ thấy nó đẹp, nó độc đáo, nó khác biệt.
Huy Hậu: Ông thấy điều gì quan trọng nhất đối với nghề độ siêu xe?
Phan Ngọc Mẫn: Năm 2010, tôi từng độ một chiếc xe "khủng" để trưng bày tại xưởng. Một vị đại gia Sơn La thích nên ngỏ ý mua. Tôi phải đề nghị giá rất cao để không bán, nhưng cuối cùng ông ấy vẫn đồng ý.
Thời điểm đấy, diễn đàn offroad miền Bắc hay có phong trào tôn vinh xe 2 cầu đẹp nhất Việt Nam. Vậy mà, bẵng đi một thời gian, chiếc xe của tôi hoàn toàn mất tích.
Cho tới một buổi tối cách đây 4 năm, tôi tình cờ thấy chiếc xe của mình đã nát bươm trong bản tin chuyên án bắt trùm ma túy Lóng Luông. Tôi sốc vì chẳng hề biết tác phẩm của mình lại dùng vào mục đích phi pháp như thế.
Hiện nay, nghĩ về nghề độ xe, người Việt Nam vẫn cho rằng đó là cái gì quậy phá, giang hồ, phá làng phá xóm… Thậm chí, luật đăng kiểm xe ô tô Việt Nam vẫn quy định xe gắn thêm phụ kiện là sai, dù các nước trên thế giới đã phát triển thành ngành công nghiệp.
Vì vậy, tận bây giờ, tôi vẫn tích cực liên kết các tổ chức quốc tế mang giải đấu offroad về Việt Nam. Cuối tuần nào chúng tôi cũng về rừng để bảo vệ môi trường, giúp giới doanh nhân tổ chức các cuộc hội họp hòa với thiên nhiên, thay vì ngồi văn phòng, con trẻ có thêm cơ hội khám phá thế giới.
Ngoài ra, mùa bão lũ, triều cường, chúng tôi còn lập ra các nhóm cứu hộ. Khi chiếc SUV nào gặp thủy kích, chết máy, chỉ cần liên hệ thì đội sẽ giúp miễn phí, bà con nào ở vùng sâu vùng xa cầu cứu, chúng tôi luôn tìm mọi cách đến nơi.
Tôi hay nhắc nhở đồng nghiệp trẻ rằng: "Một chiếc xe nâng cấp, chỉ đẹp khi nó biết phục vụ cộng đồng". Đó là tất cả đam mê tôi đang đeo đuổi!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Huy Hậu/dantri.com.vn