Việc chia sẻ cơ sở gầm bệ thường đòi hỏi một số điều kiện và thường chỉ có xe điện dùng cơ sở gầm bệ của xe động cơ đốt trong, chứ không phải ngược lại như Mercedes định làm.
Mẫu xe điện Mercedes-Benz EQA 2021 (Ảnh: Mercedes).
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Christoph Starzynski, phó chủ tịch phát triển xe điện của Mercedes-Benz, cho biết các mẫu A-Class và B-Class thế hệ mới sẽ có cả bản động cơ điện và động cơ đốt trong. Nhưng thông tin gây bất ngờ là nền tảng xe điện sẽ được sử dụng, chứ không phải dùng "ké" nền tảng xe động cơ đốt trong như bấy lâu. Tương tự các xe như BMW i4, Kia Niro EV, và thậm chí là cả EQB của chính Mercedes, cơ sở gầm bệ MMA dùng cho dòng A-Class thế hệ mới sẽ được thiết kế cho xe điện, rồi sau đó mới có hiệu chỉnh để lắp động cơ xăng hoặc diesel.
"Đây sẽ là cơ sở gầm bệ của xe điện, nhưng không chỉ dành cho xe điện", ông Starzynski cho biết.
Cơ sở gầm bệ MMA sẽ ra mắt vào năm 2024, có thể trước tiên được dùng cho Mercedes-Benz A-Class thế hệ mới trước khi mở rộng sang các dòng CLA, GLA, GLB và B-Class. Ở định dạng xe điện, các xe dùng cơ sở gầm bệ MMA sẽ lấy nhiều chi tiết của chiếc EQXX concept, trong đó có hệ thống pin làm mát bằng không khí.
Hiện thông số kỹ thuật của hai dòng A- và B-Class vẫn đang được giấu kín, chỉ có một điều chắc chắn rằng phiên bản xe điện sẽ đắt hơn bản động cơ đốt trong truyền thống.
"Chúng tôi chưa thể đạt được sự ngang giá trong tương lai gần", ông Markus Schäfer, giám đốc công nghệ của Mercedes-Benz trả lời phỏng vấn của trang Motor1.com. "Chúng tôi sẽ phải chấp nhận việc chi phí làm động cơ xe điện cao hơn trong vài năm nữa".
Một lĩnh vực mà Mercedes muốn cắt giảm chi phí là phát triển phần mềm và sản xuất pin. Hệ thống thông tin - giải trí thế hệ mới của hãng, mang tên MB.OS, là sản phẩm tự phát triển.
Mặc dù Mercedes-Benz vẫn đang bắt tay với các nhà cung cấp như NVIDIA và Bosch để phát triển các hệ thống thông tin - giải trí cho xe điện, nhưng việc tự làm sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng cho Mercedes-Benz.
Nhật Minh/dantri.com.vn