Bất chấp tình trạng loạn giá, tiêu thụ ô tô tăng vọt

Chủ nhật, 24.04.2022 | 09:29:52
725 lượt xem

Thị trường ô tô Việt Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục trong tháng 3 vừa qua, cũng là thời điểm chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước chuẩn bị kết thúc.

Ô tô, xe máy cùng đội giá

Tình trạng "đội giá" đang xảy ra với nhiều mẫu xe máy Honda, mà theo giải thích của đại lý, là do sự điều tiết theo cung - cầu của thị trường. Cụ thể, giá xe Vision đang được bán chênh khoảng 7-10 triệu đồng so với giá niêm yết của nhà sản xuất, dòng Future 125 và Lead 125 đang được các đại lý bán cao hơn khoảng 8-10 triệu đồng, còn dòng SH hay SH Mode có giá bán thực tế cao hơn khoảng 12-18 triệu đồng.

Bất chấp tình trạng loạn giá, tiêu thụ ô tô tăng vọt - 1

Vision đang là mẫu xe tay ga bán chạy nhất của Honda và cũng "ăn khách" nhất trên toàn thị trường, nên thường xuyên diễn ra tình trạng đại lý bán chênh giá (Ảnh: HĐT).

Xem thêm: Đại lý Honda đội giá hàng loạt xe máy, chênh cả chục triệu đồng

Trong khi đó, trên thị trường ô tô, việc bán xe kiểu "bia kèm lạc" đang khá phổ biến, cũng do tình trạng khan hiếm nguồn cung. Đại diện tiêu biểu cho hiện tượng này là mẫu Hyundai Tucson 2022 vừa ra mắt, bị bán đội giá tới hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn hai mẫu xe Hyundai nữa là SantaFe và Creta cũng bị bán chênh giá lần lượt là 40-70 triệu đồng và 20-40 triệu đồng. Nếu không chấp nhận mua chênh giá, khách hàng có thể phải chờ 2 tháng. Đặc biệt, với các đại lý Hyundai, khách mua xe không mua kèm phụ kiện, mà phải trả thẳng khoản chênh lệch.

Với xe Toyota, dù chính hãng khẳng định rằng không có chủ trương yêu cầu khách hàng phải mua kèm phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm, đồng thời cho biết sẽ xử lý nhà phân phối nếu phát hiện vi phạm, nhưng trên thực tế, nhiều người tiêu dùng phản ánh rằng vẫn tồn tại tình trạng đại lý ép khách mua gói phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng. Các mẫu xe Toyota đang bị phản ánh có tình trạng "bia kèm lạc" là Raize, Corolla Cross và Veloz Cross.

Những cú bứt phá 

Bất chấp việc nhiều mẫu xe, như Hyundai Tucson, Toyota Raize, hay Ford Explorer..., đang bị đại lý "thổi giá", bán chênh từ vài chục đến cả trăm triệu đồng so với giá niêm yết, sức tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam trong tháng 3 tăng vọt.

Cụ thể, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số của các đơn vị thành viên trong tháng 3 vừa qua đạt 36.962 xe các loại, tăng 60% so với tháng 2. Đây là kết quả đầy lạc quan, sau mức giảm 34% trong tháng 1 và 26% trong tháng 2.

Xét chung toàn thị trường, VinFast Fadil đã lấy lại ngôi vương sau một tháng bị Toyota Corolla Cross soán ngôi, thậm chí biến mất khỏi Top 10. Honda City cũng đã trở lại Top 10, trong khi Kia Carnival và Hyundai Grand i10 bị loại.

Bóc tách số liệu từng phân khúc cũng cho thấy những cuộc soán ngôi bất ngờ thú vị. Cụ thể, ở phân khúc xe giá rẻ hạng A, VinFast Fadil đã có sự bứt tốc trong tháng 3, vươn lên vị trí dẫn đầu, đẩy Hyundai Grand i10 xuống thứ 2. Các vị trí còn lại lần lượt vẫn là Kia Morning, Honda Brio và Toyota Wigo.

Bất chấp tình trạng loạn giá, tiêu thụ ô tô tăng vọt - 2

Lượng xe Fadil bán ra trong tháng 3 cao gấp 3,7 lần so với trước đó, giúp mẫu xe hạng A của VinFast bỏ xa các đối thủ như Grand i10, Kia Morning hay Honda Brio… (Ảnh: VFHCM).

Diễn biến ở phân khúc xe bán tải cũng giống xe giá rẻ hạng A, khi "ông vua" Ford Ranger trở lại vị trí số 1 sau một tháng bị Mitsubishi Triton soán ngôi. Trong khi đó, Toyota Hilux vẫn loanh quanh ở cuối bảng. 

Phân khúc MPV cũng ghi nhận sự thay đổi về vị trí xếp hạng, do mới có thêm bộ đôi Toyota Veloz Cross và Avanza Premio. Sức hút của Toyota Veloz Cross đã đẩy Suzuki XL7 xuống vị trí thứ 3 và đích ngắm tiếp theo có thể sẽ là vị trí số 1 của Mitsubishi Xpander, dù khoảng cách hiện còn khá xa (649 xe so với 1.622 xe).

Các phân khúc còn lại hầu như không có sự xáo trộn về thứ hạng.

Ở phân khúc xe cỡ B, hầu hết các mẫu xe đều có sự tăng trưởng doanh số, Toyota Vios vẫn đứng đầu, kế đến lần lượt là Hyundai Accent, Honda City, Mitsubishi Attrage, Kia Soluto và Mazda2...

Phân khúc xe gầm cao đô thị ghi nhận ngôi vị số 1 vững chãi của Toyota Corolla Cross, với doanh số cao gần gấp đôi đối thủ Kia Seltos. Đứng thứ 3 là Hyundai Kona.

Trong khi đó, ở phân khúc crossover hạng C, tất cả các mẫu xe đều có lượng tiêu thụ tốt hơn hẳn so với tháng trước đó. Tình trạng khan hàng và đại lý bán chênh giá hơn 100 triệu đồng đã khiến doanh số tháng 3 của Hyundai Tucson thấp hơn cả Mitsubishi Outlander và bị Mazda CX-5, Honda CR-V bỏ xa.

Xem thêm: Tucson đội giá hơn 100 triệu đồng, Mazda CX-5 và CR-V được đà tăng doanh số

Cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc MPV

Các nhân tố mới đã liên tục xuất hiện trên thị trường MPV. Nếu như Toyota đã mang về Việt Nam hai mẫu xe mới là Veloz Cross và Avanza Premio, Suzuki XL7 có những cải tiến, thì Mitsubishi cũng khẩn trương nhập Xpander phiên bản mới về, với một số nâng cấp nội và ngoại thất, giữ nguyên động cơ.

Bất chấp tình trạng loạn giá, tiêu thụ ô tô tăng vọt - 3

Mitsubishi Xpander 2022 đã về cảng Hải Phòng nhưng chưa rõ lịch ra mắt chính thức.

Xpander 2022 thực chất là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời của thế hệ ra mắt từ năm 2017. Xe đã cập cảng Hải Phòng, được nhập khẩu từ Indonesia.

Như vậy, phân khúc MPV 7 chỗ dưới 1 tỷ đồng đang trở nên cực kỳ cạnh tranh tại Việt Nam. Dù chỉ mới ra mắt từ tháng 2, lại bán theo kiểu "bia kèm lạc", nhưng Toyota Veloz Cross vẫn đủ sức "hạ gục" Suzuki XL7, chiếm ngôi nhì phân khúc.

Trong khi đó, Mitsubishi Xpander vẫn đang có khoảng cách an toàn, nhưng không tránh được sức ép từ các đối thủ đầy tiềm năng.

Ngoài 3 cái tên nói trên, phân khúc này còn có sự góp mặt của Suzuki Ertiga và Toyota Innova. Mẫu Toyota Rush đã dần bị loại bỏ khỏi thị trường do doanh số thấp.


Nhật Minh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/bat-chap-tinh-trang-loan-gia-tieu-thu-o-to-tang-vot-20220419102841089.htm

  • Từ khóa