Các hãng ôtô đang nghiên cứu phương án chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện và đầu tư vào công nghệ sản xuất, dây chuyền lắp ráp
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi và ghi nhận ý kiến của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) liên quan đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Cần chính sách ưu đãi xe "xanh"
Đại diện VAMA cho biết hiệp hội đề xuất triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô theo hướng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo đó, cần có chương trình cụ thể để thực hiện chiến lược chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe sử dụng điện, thể hiện ở tỉ lệ sản xuất, sử dụng xe điện tăng dần theo thời gian. Thực tế, nhiều hãng đang nghiên cứu phương án chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, đẩy mạnh đưa xe điện ra thị trường trong thời gian tới.
Ngành ôtô trong nước đang chuyển dịch sang xu hướng xe “xanh”, tiết kiệm nhiên liệu và tăng cường công nghệ
Ngoài ra, VAMA cũng nêu rõ hiện còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường về quy trình tái chế sản phẩm hết niên hạn sử dụng. Hiệp hội còn đề xuất Chính phủ ban hành chính sách thúc đẩy sản xuất, sử dụng các loại hàng hóa thân thiện với môi trường, đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô. Trong đó, cần thiết nhất là chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, thuế nhập khẩu linh kiện… đối với ôtô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; các chính sách hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất - nhập khẩu xe.
Trước đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng khuyến khích sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải như: xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid (xe "lai", gồm cả động cơ xăng và điện), xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe thuần điện... Việc này cũng góp phần giúp phát triển ngành công nghiệp ôtô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường. Ở cấp cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án cụ thể về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ôtô điện.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật Sư phạm TP HCM, cho biết Thái Lan đã đưa ra lộ trình rõ ràng, cụ thể cho ngành ôtô. Theo đó, đến năm 2030, sản lượng xe điện xuất xưởng chiếm 30% tổng lượng xe sản xuất. Đến năm 2050, nước này hướng đến toàn bộ phương tiện cơ giới chạy trên đường đều là xe điện.
"Với Việt Nam, để phát triển xe điện, cần chính sách cho phép tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản trong nước, phát triển ngành khai khoáng theo hướng khai thác để chủ động sản xuất pin. Ngoài ra, ngành điện lực cần có kế hoạch về lưới và nguồn cung điện để phục vụ nhu cầu gia tăng khi nhà nhà đều sạc pin xe điện; ngành tài nguyên, môi trường phải có phương án xử lý pin thải ra" - ông Dũng góp ý.
Theo TS Đoàn Hồng Đức, Trưởng Bộ môn Quy hoạch giao thông - Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, việc mở rộng đường tại TP HCM hiện rất khó khăn, thành phố đã có hướng phát triển đường trên cao. Do vậy, việc tìm kiếm vị trí lắp đặt trạm sạc pin tại TP HCM hay các thành phố lớn khác là không dễ dàng. Do đó, các địa phương và doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước trong vấn đề quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông…
Nâng "chất" công nghệ
Bên cạnh định hướng sản xuất một số dòng xe thân thiện với môi trường, việc tăng cường công nghệ vào các công đoạn sản xuất cũng được các hãng chú trọng nhằm tăng tiện ích cho sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh và giảm phát thải.
Toyota Việt Nam có kế hoạch hợp tác đầu tư với các đối tác trong nước để sản xuất phụ kiện, linh kiện theo tiêu chuẩn của tập đoàn với mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa theo từng năm, giảm giá thành sản phẩm. Ford Việt Nam đầu tư hàng chục triệu USD để mở rộng nhà máy tại Hải Dương, trang bị thêm nhiều công nghệ để đưa nhiều mẫu xe mới ra thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hai năm qua, Mercedes-Benz đầu tư thêm 33 triệu USD vào các công nghệ sản xuất và dây chuyền lắp ráp gồm: công nghệ dây chuyền tích hợp tại xưởng thân xe, công nghệ hàn đinh bằng robot, công nghệ Eagle Eye - đo cấu trúc hình học tọa độ thân xe, công nghệ bơm bọt cách âm vào thân xe, công nghệ bơm keo kính chắn gió bằng robot... Các công nghệ này giúp hãng tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện độ chính xác, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải cũng có kế hoạch đầu tư mạnh khoảng 9.000 tỉ đồng cho lĩnh vực ôtô, cơ khí và nông nghiệp. Theo đó, tập đoàn tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ và các tính năng thông minh; phát triển sản phẩm xe du lịch điện và các loại xe theo yêu cầu khách hàng. Các nhà máy cũng được nâng cấp nhằm phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ để đa dạng hóa sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu...
Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ôtô, cho rằng để phát triển công nghiệp ôtô, đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao, trong khi Việt Nam còn hạn chế về công nghệ nên khó thành công. Ông Đồng gợi ý các bộ, ngành và doanh nghiệp trong nước nên hợp tác với các hãng xe lớn trên thế giới để học tập và được chuyển giao công nghệ hiện đại. Ngoài ra, có thể đưa lực lượng chuyên gia trong nước đi học tập, nghiên cứu tại các quốc gia có nền công nghiệp ôtô tiên tiến.
Nguyễn Hải/nld.com.vn
https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/nganh-oto-huong-den-dong-xe-xanh-20220507195937702.htm