Phim cách nhiệt thường có nhiều gói khác nhau, với mức giá chênh lệch đáng kể, và tôi đã phải nhận bài học trị giá khoảng chục triệu đồng vì phó mặc toàn bộ cho đại lý lắp phụ kiện khi mua ô tô.
Hôm trước, tôi đọc được bài viết "Sửa ô tô trong hãng, tôi nghi bị tráo lốp và mọi người cũng nên cẩn thận" của độc giả Thành Nam và thấy lời nhắc nhở đó rất cần thiết. Tôi cũng có một bài học mà bản thân đã phải trả giá, xin chia sẻ với mọi người để không rơi vào tình huống tương tự.
Để đảm bảo khách quan, tôi sẽ không nêu tên hãng xe, nhân viên kinh doanh hay nhắc cụ thể tới thương hiệu. Sự việc cách đây khoảng 3 tháng, khi tôi đặt mua một chiếc sedan giá hơn 2 tỷ đồng. Tính tôi vốn xởi lởi nên có đặt hàng bạn nhân viên làm luôn thủ tục đăng ký, mua bảo hiểm thân vỏ và dán phim cách nhiệt.
Tôi chọn phim cách nhiệt của một thương hiệu có tiếng từ Mỹ, lấy gói cao cấp nhất với giá 25 triệu đồng cho xe sedan. Tuy nhiên, bạn sale báo rằng xe của tôi có trang bị hệ thống radar (phục vụ tính năng hỗ trợ lái) nên khuyến nghị không dán phim ở kính lái nhằm đảm bảo xe hoạt động ổn định nhất. Tôi tin tưởng nên nghe theo, gói dán phim cũng vì thế bớt được 5 triệu đồng, còn 20 triệu đồng.
Phim cách nhiệt cho ô tô là món phụ kiện mang nhiều cảm tính, không dễ để cảm nhận và so sánh sự khác biệt với người dùng phổ thông.
Sau hơn 2 tháng sử dụng thì trời bắt đầu vào hạ, tôi cảm thấy hiệu quả của phim cách nhiệt không như mong đợi (so sánh cảm tính với chiếc xe cũ của tôi). Cho rằng vấn đề do vẫn chưa dán phim kính lái, tôi mới hỏi các chủ xe khác trên Facebook thì biết rằng đã có nhiều người dán phim cách nhiệt cho cả kính lái mà không gặp vấn đề.
Tôi lúc này mới quyết định dán bổ sung phim cách nhiệt cho kính lái. Vẫn chọn loại cao cấp nhất của thương hiệu Mỹ trước đây nhưng ra một gara ở gần nhà để tiện đi lại. Người thợ chủ động đưa ra mức giá 4 triệu đồng cho riêng phần dán kính lái (20 triệu đồng cho cả xe sedan) và cam kết phim chính hãng, có hóa đơn và mã vạch để kiểm tra.
Điều đáng nói là sau khi nhận xe, người thợ có gặp để trao đổi riêng và nói rằng các phần phim tôi dán trước đây đúng là của thương hiệu Mỹ đó nhưng chỉ là loại phổ thông, không phải loại cao cấp nhất như tôi chọn. Người thợ cho tôi xem dữ liệu online của hãng, chính xác ngày giờ và chủng loại phim chỉ là hàng với giá rẻ bằng nửa.
Vì dữ liệu khách hàng là riêng tư nên người thợ này nói rằng không thể cung cấp hình ảnh, dữ liệu về lịch sử dán phim trên xe của tôi. Riêng việc nói ra thông tin với khách như vậy cũng là vi phạm quy định.
Ở câu chuyện này, tôi đã sai vì tin tưởng vào một hãng xe sang, một nhân viên bán hàng luôn nằm trong top best seller. Sẽ chẳng thể có chuyện nhầm lẫn ở đây được vì gói tôi đặt là 25 triệu đồng (nếu dán cả kính lái) nhưng sản phẩm nhận về chỉ là gói giá rẻ bằng nửa tiền. Ở đây là lừa dối khách hàng, xuất phát từ seller hoặc nhân viên của hãng xe.
Làm nhân viên của hãng xe, bán được sản phẩm là bạn đã có tiền rồi. Tôi lắp thêm phụ kiện, bạn thế nào cũng có được thêm hoa hồng từ bên thứ ba nhưng chừng ấy là chưa đủ. Bạn còn tham lam tráo từ loại cao cấp sang loại giá rẻ để thu lợi thêm chục triệu đồng nữa, để khách nhận về một sản phẩm không đúng với số tiền bỏ ra.
Chịu nóng vì dùng phim giá rẻ, giờ lột ra dán lại, tôi sẽ vừa mất tiền cái cũ lại còn mất thêm lần nữa cho phim mới, một bài học quá đắt. Tôi cũng có cái sai là quá tin tưởng nhân viên của hãng xe, phó mặc toàn bộ công việc.
Hy vọng qua câu chuyện của tôi, mọi người sẽ tránh gặp phải trường hợp tương tự, hãng sẽ tăng cường quản lý nhân viên và ai cũng giở trò tương tự thì cần khắc phục hậu quả và đừng bao giờ lừa dối khách hàng nữa.
Gia An/dantri.com.vn