Sở hữu siêu xe ở Việt Nam đôi khi giống như chuyện "người giàu cũng khóc".
Xe đẹp, đắt tiền, có tốc độ "xé gió", thu hút sự chú ý,... là những lý do khiến các chủ siêu xe được trầm trồ ngưỡng mộ, nhưng đó cũng là những thứ khiến chủ siêu xe phải "đau đầu", nhất là chủ siêu xe tại Việt Nam. Vì sao?
Mua siêu xe hầu như chỉ để ngắm
Một chiếc Ferrari F8 Spider tại Việt Nam (Ảnh: DT).
Ngoài yếu tố hạn chế về số lượng, một trong những lý do khiến siêu xe ít xuất hiện trên đường phố Việt Nam là không có nhiều đường cho xe chạy. Cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam nhìn chung không thân thiện với những chiếc siêu xe vốn gầm thấp.
Nếu tốc độ là giá trị cốt lõi, là niềm kiêu hãnh của siêu xe thì đó cũng chính là nguồn cơn khiến siêu xe ít ra đường. Để có thể đạt tốc độ "xé gió", siêu xe phải có hệ số cản cực thấp, đồng nghĩa với việc thân xe sẽ "dán" xuống mặt đường.
Mặt trái của thiết kế gầm thấp là chỉ cần sụt ổ gà hoặc đâm trúng một hòn gạch nhỏ trên đường hay gặp gờ giảm tốc hơi cao một chút, chiếc siêu xe có thể khiến chủ nhân tốn vài trăm triệu cho tới cả tỉ đồng.
Việt Nam cũng có nhiều tuyến đường cao tốc đẹp, phẳng và vắng để siêu xe thể hiện, nhưng để ra được đó, các chủ siêu xe vẫn phải vượt qua những đoạn đường đầy ổ gà, bị sụt lún hoặc có gờ giảm tốc quá cao, quá dày.
Do đó, nhiều đại gia, thiếu gia cho biết họ chủ yếu dùng siêu xe để đi ăn sáng, uống cà phê "sang chảnh"; thời gian còn lại, xe... nằm trong gara. Thậm chí, không ít siêu xe được mua về chỉ để đánh bóng tên tuổi cho chủ nhân, số lần lăn bánh kể từ khi về Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lái siêu xe khổ hơn lái "xe cỏ"
Nếu cứ ôm vô-lăng là được đạp hết ga, giải phóng sức mạnh của siêu xe thì câu chuyện quá đơn giản. Cái khổ của người sở hữu siêu xe nói chung và sở hữu siêu xe ở Việt Nam nói riêng là phải kiểm soát tốc độ.
Siêu xe thường có công suất 500-700 mã lực, như Bugatti Veyron thậm chí còn hơn 1.000 mã lực, tức là mạnh gấp 5-10 lần so với ô tô thông thường. Sở hữu sức mạnh kinh khủng như vậy, nhưng do các quy định về giới hạn tốc độ trên đường, siêu xe chỉ có thể chạy như ô tô bình thường, thậm chí chậm hơn, do đặc thù gầm xe thấp, người lái phải chú ý chướng ngại vật hơn.
Và phiền phức hơn so với lái ô tô thông thường là tài xế cần kiểm soát chân ga của siêu xe thật tốt, bởi chỉ một cú nhích ga quá đà, hậu quả có thể là một tai nạn kinh hoàng; hay đơn giản hơn, là phiếu phạt quá tốc độ. Rất nhiều siêu xe chỉ mất chưa đến 4 giây để tăng tốc từ 0 lên 100 km/h và có thể đạt tốc độ tối đa trên 350 km/h, nhưng hầu hết đường cao tốc ở Việt Nam có giới hạn tốc độ tối đa ở quanh mức 100 km/h, nơi cao nhất cũng chỉ 120 km/h, như đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; còn trong nội đô là 60 km/h (với các tuyến đường có dải phân cách cứng).
Thực tế phũ phàng là các đại gia ở Việt Nam phải chi rất nhiều tiền để sở hữu một chiếc siêu xe, thường không dưới 20 tỷ đồng, nhưng chẳng mấy khi có cơ hội trải nghiệm, khám phá sức mạnh của nó.
Chiếc siêu xe Ferrari 488 nát bét sau cú tông cực mạnh vào gốc cây bên đường ở Hà Nội. (Ảnh: Đình Quân).
Sáng 21/7 vừa qua, chiếc siêu xe Ferrari 488 nát bét sau cú tông cực mạnh vào gốc cây bên đường ở Hà Nội khi tài xế không kiểm soát được tốc độ của "ngựa hoang".
Trước đó, đã có không ít siêu xe lâm nạn tại Việt Nam do tài xế mất kiểm soát chân ga, như trường hợp chiếc BMW i8 màu xanh ngọc độc nhất tại Việt Nam của thiếu gia sinh năm 1997 chạy với tốc độ kinh hoàng trên đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) vào rạng sáng 5/2/2016, đâm vào một cửa hàng ăn uống, lộn nhiều vòng rồi văng trở lại lòng đường, đập vào cột đèn mới dừng lại.
Một trường hợp khác là tài xế bị mất kiểm soát khi đang di chuyển trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, dẫn đến tai nạn khiến chiếc Lamborghini Huracan màu cam nát gần như hoàn toàn phần đầu.
Không có xưởng dịch vụ chính hãng
Trong suốt nhiều năm, người chơi siêu xe tại Việt Nam chỉ có thể tìm đến các xưởng dịch vụ không chính hãng để chăm sóc, bảo dưỡng những chiếc siêu xe.
Năm 2014, Lamborghini trở thành thương hiệu siêu xe đầu tiên có đại lý chính hãng tại Việt Nam.
Năm 2019, Ferrari chính thức vào Việt Nam nhưng chỉ cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa, chứ chưa bán xe.
Cũng trong năm 2019, Aston Martin mở showroom đầu tiên tại Việt Nam, nhưng hai năm sau đó, vào tháng 10/2021, thương hiệu này mới có đại lý 3S đầu tiên tại Việt Nam, với đầy đủ các dịch vụ: bán hàng (sale), bảo dưỡng bảo hành (service) và phụ tùng, phụ kiện chính hãng (spare part).
Mới đây nhất, McLaren Automotive chính thức công bố S&S Automotive là đại lý chính hãng được ủy quyền tại TP.HCM. Tính đến nay đã có 4 thương hiệu siêu xe có đại lý chính hãng tại Việt Nam.
Trung tâm bảo dưỡng chính thức duy nhất của Ferrari tại Việt Nam đặt tại TPHCM, đi vào hoạt động từ năm 2019 (Ảnh: Vina ASC).
Có thể thấy, hầu hết xưởng bảo dưỡng chính hãng của các thương hiệu siêu xe tại Việt Nam đều đặt ở TPHCM. Do đó, việc chủ siêu xe ở khu vực phía bắc gặp khá nhiều bất tiện khi có nhu cầu kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa xe.
Nhật Minh/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/kho-nhu-chu-sieu-xe-o-viet-nam-20220724021927966.htm