Câu chuyện triển khai thu phí không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân, đặt ra yêu cầu trách nhiệm của đơn vị vận hành trạm nếu để xảy ra sự cố.
1/8 là thời điểm chuẩn bị áp dụng thu phí không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc. Các đơn vị vận hành trạm đang gấp rút triển khai hạ tầng, trong khi đó người dân cũng liên tục được khuyến cáo đi đăng ký dịch vụ để tránh bị phạt.
Trong thời gian đầu vận hành thu phí không dừng, một số trạm đã xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm việc một số phương tiện chưa dán thẻ ETC hoặc tài khoản không còn đủ tiền. Tuy nhiên, một số tài xế thì cho biết, tài khoản của họ còn đủ tiền nhưng vẫn không qua được trạm.
Tài khoản ETC còn đủ tiền nhưng barie không mở
Di chuyển trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, anh Hoàng Mạnh (quê Nam Định) không khỏi bực mình vì mới dán thẻ ETC và nạp 2 triệu đồng vào tài khoản nhưng khi đi vào trạm thu phí thì barie không tự động mở. Tài xế này sau đó phải chờ nhân viên trạm xử lý thủ công thì xe mới được qua.
Một số chủ xe cho biết phương tiện của họ đã được dán thẻ và tài khoản còn đủ tiền nhưng vẫn có thể gặp lỗi khi đi qua trạm ETC (Ảnh: ePass).
"Những người phía sau bóp còi inh ỏi và nhìn tôi với ánh mắt như thể tôi là người sai vậy", anh Mạnh cho biết thêm. "Lúc đi vào trạm, tôi chạy với tốc độ vừa phải, duy trì khoảng cách so với xe phía trước. Khi được hỏi thì nhân viên trạm thu phí cho biết hệ thống mạng gặp vấn đề nên thời điểm đó không trừ tiền tự động được".
Tương tự vậy, tài xế Xuân Trường (Hà Nội) cũng không ít lần gặp sự cố khi sử dụng ETC. "Lúc đăng ký dịch vụ, nhân viên hỏi tôi muốn dán đèn hay dán kính, tôi nói vị trí nào thuận tiện và phù hợp với phương tiện của mình thì các bạn làm và được dán kính. Tuy nhiên, khi barie không mở dù tài khoản còn đủ tiền, các bạn ở trạm thu phí lại nói do tôi dán thẻ ở kính lái, xong lại dùng phim cách nhiệt nên máy không đọc được", anh cho biết.
Theo anh Trường, việc dán thẻ ETC loại nào, ở đâu được anh giao cho nhân viên thì lẽ ra họ phải am hiểu và có trách nhiệm để nó hoạt động được, không thể đổ lỗi cho khách hàng hay phương tiện. Tuy nhiên sau đó, để tránh các phiền phức nên tài xế này đã phải ra đăng ký và chuyển sang loại thẻ dán ở đèn, chi phí mất 120.000 đồng vì dán lần 2.
"Dán ETC xong xuôi mà hoạt động cứ chập chà chập chờn. Có lần, tôi thấy barie đang mở tự động và tưởng là xe mình cũng đi được nhưng khi tới gần thì bị đóng sập xuống. Thanh chắn đập làm móp nắp ca-pô, nếu vào kính chắn gió thì nguy hiểm nữa. Rõ ràng lỗi không phải của mình, sau đó đành mất thời gian, tiền bạc để đi dán lại", anh Trường kể.
Người dân sai phải chịu phạt, cơ quan quản lý chỉ xin lỗi?
Theo quy định hiện hành, xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc xe gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện giao thông còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiến hành nâng cấp để chuyển sang thu phí không dừng trên toàn tuyến dự kiến từ 1/8 (Ảnh: Đình Nam).
Tuy nhiên, một số người dân cho rằng đây mới là quy định một chiều. Bình luận trong bài viết "Người đi ô tô hoang mang giữa những bất cập của thu phí không dừng" trên Dân trí, độc giả có tên Hà Nguyễn viết: "Người dân không đủ điều kiện mà đi vào làn ETC thì bị phạt. Trong khi đó, xe đủ điều kiện mà ách tắc thì chắc chỉ nhận được nhận lời xin lỗi, xin thông cảm".
Đồng quan điểm, nick Nguyễn Xuân Vinh cho biết nên tạo ra sự bình đẳng và hài hòa giữa trách nhiệm, quyền lợi của các bên. "Trong trường hợp tài khoản hết hoặc không đủ tiền khi qua trạm thì bị phạt tiền và thu giấy phép lái xe. Khi lỗi hệ thống không nhận diện hoặc trục trặc kỹ thuật thì không có quy định trách nhiệm. Như vậy thì các quy định đang thiên về hướng quy trách nhiệm cho người tham gia giao thông, còn quyền lợi đang thuộc về cơ quan quản lý điều hành ETC", người này để lại ý kiến.
"Thu phí BOT thức chất cũng chỉ là giao dịch mua bán dân sự. Nếu đã có quy định xử phạt thì phải công bằng. Không thể có chuyện người dân sai thì bị phạt tiền, còn các trạm thu phí, đơn vị cung cấp dịch vụ sai thì chỉ phải rút kinh nghiệm", độc giả Phan Trọng Thiệp đặt vấn đề. "Nếu đã phạt người dân khi sai thì ngược lại, đương nhiên trạm ETC cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng dịch vụ khi họ phải chịu thiệt hại".
Giao thông kẹt cứng trong những ngày đầu thu phí tự động cao tốc TPHCM - Dầu Giây (Ảnh: Hoàng Giám).
Cùng với đó, phần đông ý kiến cho rằng thu phí không dừng ETC là hình thức thanh toán văn minh, hiện đại và mang lại lợi ích to lớn xét về lâu dài. Tuy nhiên, việc triển khai theo người dân cần sự động bộ và có thể theo giai đoạn để tránh những phiền phức, rắc rối không đáng có.
Người dân sẽ được nhắc nhở trước khi phạt?
Để sẵn sàng cho việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng từ ngày 1/8 tới, VEC và nhà cung cấp dịch vụ VETC đã thực hiện phương án xử lý các tình huống tránh gây ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến.
Theo đó, nếu nhân viên thu phí phát hiện phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC sẽ nhắc nhở và hướng dẫn đỗ vào lề đường bên phải dán thẻ, đồng thời hướng dẫn chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông.
Trường hợp chủ phương tiện đi vào cao tốc một lần đã được nhắc nhở, nếu từ ngày 1/8 vẫn tái phạm chưa dán thẻ, không sử dụng dịch vụ thu phí tự động sẽ được hệ thống ghi nhận cảnh báo, gửi lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt.
Theo dantri.com.vn