Thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu ảnh hưởng lớn đến sản lượng sản xuất ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên tình trạng này đã được cải thiện, mở ra cửa sáng cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Tín hiệu tích cực từ thị trường chip bán dẫn toàn cầu
Trong năm 2021, người Mỹ từng gặp khó khăn vì nguồn cung ô tô, xe cộ nói chung bị hạn chế đến mức: dịch vụ cho thuê xe phải tậu xe cũ để kinh doanh thay vì xe mới. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá thép tăng, nguồn cung khan hiếm - trong khi đó nó là kim loại chính tạo nên khung gầm, động cơ xe cộ.
Bên cạnh đó, khủng hoảng chip, linh kiện điện tử cũng lan dần ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Từ các chính sách thắt chặt do dịch Covid-19 cho đến các biến động chính trị khiến chuỗi cung ứng vốn gặp nhiều trở ngại, nay lại càng khan hiếm. Vì tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, linh kiện, phụ tùng cùng nhiều bộ phận liên quan khác buộc các hãng xe phải cắt giảm sản lượng toàn cầu.
Tin vui là vào ngày 21/7 - Nhiều lãnh đạo thuộc các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới nhìn nhận rằng, tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đã được cải thiện sau khoảng thời gian dài thiếu hụt (theo AFP).
CEO Bjorn Rosengren của tập đoàn ASEA Brown Boveri Thụy Sĩ (ABB), nhà cung cấp giải pháp cho ngành robot và sản xuất xe, khẳng định tình trạng tắc nghẽn nguồn cung chip đã giảm. Ông dự đoán thị trường sản xuất trên thế giới có thể đạt tăng trưởng hai con số trong 3 tháng tới, nguồn cung chip tăng đồng nghĩa với việc giá bán của thành phẩm sẽ hạ nhiệt.
Nỗ lực của Honda Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường
Là một trong những nhà sản xuất hàng đầu tại thị trường trong nước, Honda Việt Nam (HVN) cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Trong nửa đầu năm 2022, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã gây hạn chế trong việc cung cấp một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa. Đại diện HVN cho hay, tổng doanh số xe tay ga của Honda trong tháng 6 giảm sâu hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Nói về lý do thị trường xe máy trong nước khan hàng, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân đến từ thiếu hụt nguồn cung chip và chi phí đầu vào sản xuất tăng. Trên thực tế, hiện Việt Nam chưa sản xuất được chip, mà chủ yếu nhập từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó phần lớn nhập từ Trung Quốc.
Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", nên nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung chip của cả ngành công nghiệp ôtô, điện tử, xe máy toàn cầu…
Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng được cải thiện từ tháng 7/2022, đại diện HVN cho biết hãng đã có thể bắt đầu cung ứng một số mẫu xe ga sau nhiều tháng doanh số giảm sâu. HVN luôn nỗ lực để lượng xe tay ga nói chung và xe VISION nói riêng có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc.
Theo khảo sát của PV, các dòng xe tay ga phổ biến của Honda đã được phân phối về các đại lý với đầy đủ màu sắc, chủng loại. Bên cạnh đó, giá bán lẻ tại các HEAD (đại lý) đã giảm mạnh so với thời điểm doanh số sụt giảm trầm trọng bởi hạn chế nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu. Giá bán lẻ của mẫu Honda VISION được ghi nhận ở mức 36 - 37 triệu đồng cho phiên bản tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, các HEAD trên toàn quốc đang có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho khách hàng như đặt cọc, mua xe ngay được ưu đãi về giá bán; bốc thăm trúng thưởng, tặng thẻ quà để tri ân khách hàng đã tin tưởng và ủng hộ sản phẩm của HVN trong suốt thời gian qua.
Ví dụ, người yêu xe Lead, VISION ở Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ giảm 1.000.000 đồng khi mua xe tại HEAD Việt Long từ ngày 8/8 đến 15/8/2022; hệ thống HEAD Tân Tiến (Đồng Tháp) tặng khách hàng phiếu đổ xăng trị giá 1.000.000 đồng khi mua xe VISION từ 1/8 - 31/8/2022.
Đây là tín hiệu đáng mừng với khách hàng mong muốn sở hữu Honda VISION sau một thời gian biến động giá cả. Theo lý giải của một số nhân viên kinh doanh tại đại lý, nguyên nhân giá mẫu VISION của hãng giảm là do nguồn cung đã dồi dào hơn.
Tại Việt Nam, Honda VISION là mẫu xe tay ga bình dân có doanh số ấn tượng, được nhiều người yêu thích bởi kiểu dáng thanh lịch, gọn nhẹ và trẻ trung.
Theo dantri.com.vn