Các nhà sản xuất ô tô châu Âu có thể không kịp làm xe điện giá rẻ, nhưng các hãng xe Trung Quốc thì đã sẵn sàng.
Chỉ một tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) chốt kế hoạch cấm bán xe mới sử dụng động cơ đốt trong (ICE) vào năm 2035, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU - ông Thierry Breton đã lên tiếng cảnh báo việc này không khả thi, lợi bất cập hại.
Ông Thierry Breton lo ngại việc EU cấm xe xăng quá sớm có thể gây tác động tiêu cực tới khối kinh tế này (Ảnh: AP).
Ông Breton cho rằng các nhà sản xuất ô tô vẫn nên tiếp tục làm xe động cơ đốt trong để đảm bảo việc làm và hoạt động xuất khẩu.
Mối lo ngại chính của ông là nếu thực hiện cấm xe xăng quá sớm (năm 2035) thì nhiều công nhân ngành ô tô có nguy cơ mất việc làm, phần đông người dân không có đủ khả năng mua xe điện, nguồn cung pin và vật liệu thô không đảm bảo, và quan trọng nhất là sự thay đổi cơ sở hạ tầng.
Không thể sớm có xe điện giá rẻ
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều có khả năng và đã sẵn sàng chuyển đổi sang làm xe điện, nhưng họ không thể sớm hạ giá thành sản phẩm. Và nếu như vậy thì phần đông người tiêu dùng sẽ khó có cơ hội tiếp cận xe điện loại mang lại sự tiện ích tương đương xe động cơ đốt trong.
Cần nhiều thời gian hơn mốc năm 2035 để xe điện rẻ ngang xe xăng. Các nhà sản xuất có thể tăng chất lượng pin và động cơ điện, nhưng khó kiểm soát giá cobalt, vật liệu quan trọng trong sản xuất pin.
Ngay cả BMW vốn chỉ làm xe sang và đang bán được rất nhiều xe điện cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề giá thành sản xuất xe điện. Trong chuyến thăm nhà máy Spartanburg của tập đoàn của Mỹ, CEO Oliver Zipse chia sẻ: "Chúng tôi không muốn xóa sổ phân khúc xe phổ thông, điều đó cực kỳ nguy hiểm về mặt chính trị. Nếu đột nhiên biến việc sở hữu ô tô thành đặc quyền của người giàu thì rất nguy hiểm".
Ngay cả xe điện Trung Quốc khi vào thị trường châu Âu cũng không thể có giá rẻ như kỳ vọng.
Ở châu Âu, mẫu Wuling Mini EV này có giá đắt hơn Kia Picanto (Ảnh: Getty Images).
Wuling Hongguang Mini EV, mẫu xe điện rẻ nhất thế giới, đang được bán tại châu Âu dưới thương hiệu Freze Nikrob với giá bán rất cao - 13.000 euro, trong khi tại Trung Quốc có giá chỉ 28.800 nhân dân tệ (4.000 euro). Mức giá này cao hơn hàng trăm euro so với Kia Picanto, trong khi bản chất chỉ rẻ bằng một nửa.
Tại sao? Lý do là hãng xe Trung Quốc đã phải có một số nâng cấp và hiệu chỉnh để xe có thể đạt tiêu chuẩn an toàn của châu Âu. Ngoài ra, ở châu Âu, mẫu xe này cũng không được trợ giá bằng chính sách như ở Trung Quốc.
Cơ hội dành cho các hãng xe Trung Quốc
Theo ông Breton, nếu lệnh cấm được áp dụng vào năm 2035, ngành ô tô sẽ mất 600.000 trong tổng số gần 13 triệu việc làm hiện tại.
Khi châu Âu không tiêu thụ xe xăng nữa, các nước khác trên thế giới vẫn tiêu thụ. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể mua lại dây chuyền và công nghệ động cơ, hộp số của các hãng xe châu Âu với giá rẻ.
Thực tế là Geely đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển động cơ với Renault để tận dụng kinh nghiệm sản xuất động cơ dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu của Renault. Hai bên sẽ thành lập một liên doanh mới chuyên sản xuất động cơ và hộp số để cung cấp cho các hãng xe khác.
Ngoài ra, việc châu Âu cấm xe xăng sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất Trung Quốc xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường xe điện châu Âu.
Geely đã nhanh chân ra mắt thương hiệu xe điện Geometry ở châu Âu, với sản phẩm đầu tiên là mẫu Geometry C.
Geometry C là mẫu SUV chạy điện giá rẻ của Geely dành cho thị trường châu Âu khó tính (Ảnh: Geely).
Thương hiệu MG "gốc Anh, hồn Trung Quốc" cũng đã hiện diện ở phân khúc xe điện cỡ nhỏ, cạnh tranh với Peugeot và Renault. Trong khi đó, ở phân khúc xe điện hạng trung và cao cấp, các thương hiệu Polestar, Nio và Xpeng đã sẵn sàng tranh thị phần với Volkswagen, Volvo, Tesla, BMW, Audi, và Mercedes-Benz.
Tỷ phú Li Shufu, nhà sáng lập tập đoàn Geely, đã mua cổ phần thương hiệu Smart của Mercedes-Benz để có thể "đốt cháy giai đoạn" trong hành trình chinh phục thị trường châu Âu. Và lệnh cấm xe xăng của châu Âu sẽ giúp hành trình đó ngắn lại.
Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn không bị áp lực tài chính từ việc bỏ hẳn hoặc cắt giảm tỷ lệ lớn sản xuất xe xăng như các hãng xe châu Âu.
Trung Quốc cũng rất ủng hộ xe điện, nhưng chưa hề có ý định cấm hoàn toàn động cơ đốt trong. Trung Quốc chỉ đặt mục tiêu 50% xe mới bán ra tại nước này vào năm 2035 là xe điện thuần túy, xe hybrid sạc điện, hoặc xe chạy bằng pin nhiên liệu. 50% còn lại sẽ là xe hybrid thông thường, tức là vẫn cần động cơ đốt trong.
Như vậy, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc một mặt vẫn có doanh thu ổn định, thậm chí cao, từ động cơ đốt trong, mặt khác có cơ hội xuất khẩu được thêm nhiều xe điện sang châu Âu, dù với giá đắt hơn nhiều cũng vẫn ở mức mà các nhà sản xuất châu Âu không thể cạnh tranh. Vậy là trong khi lệnh cấm sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu mất đi nguồn thu từ xe động cơ đốt trong, thì các hãng xe Trung Quốc lại có thêm nguồn thu để nuôi hoạt động sản xuất xe điện.
Geely đang xây dựng nền tảng vững chắc cho "đế chế" của mình trên thị trường xe điện châu Âu. Tập đoàn này có 3 thương hiệu xe điện, nhắm vào 3 phân khúc khác nhau - thấp (Geometry), trung (Smart), và cao (Polestar). Ở thời điểm hiện tại, không có nhà sản xuất châu Âu nào có đối trọng với Geely trên thị trường xe điện, ngay cả Tập đoàn Volkswagen lâu đời và hùng mạnh.
Nhật Minh/dantri.com.vn