Các hãng xe Trung Quốc từ lâu đã được biết đến với việc vay mượn ý tưởng từ các hãng xe nổi tiếng. Tuy nhiên tại sao họ lại sử dụng linh kiện của các dòng xe đã hơn chục tuổi?
Trung Quốc đang cố gắng tăng cường "nội địa hóa" ngành sản xuất ô tô, với kỳ vọng sẽ khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế. Nhìn vào các thương hiệu ô tô mà họ đang sở hữu, cũng như thiết kế, phát triển, sản xuất và tiếp thị, có vẻ quốc gia này đang dần trở thành cường quốc ô tô. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau không đơn giản như vẻ ngoài mà nhiều người thấy.
Cách đây không lâu, chủ một gara tư nhân ở Trung Quốc đã tải lên video cho thấy có rất nhiều linh kiện của một chiếc SUV nội địa được sản xuất vào năm ngoái nhưng lại sử dụng linh kiện của xe Nhật đời cũ. Điều này được anh vô tình phát hiện ra trong quá trình sửa xe.
Cụ thể, cánh tay đòn dưới của hệ thống treo sau của chiếc SUV Trung Quốc này giống hệt với linh kiện của chiếc Toyota Rav4 thế hệ cũ vốn đã ngừng sản xuất cách đây một thập kỷ. Hình dạng, kích thước hay vị trí lỗ vít của chúng đều giống hệt nhau. Chủ gara sau đó đã trực tiếp liên hệ với chủ xe để đưa ra phương án thay thế phụ tùng tiết kiệm nhất.
Cánh tay đòn dưới của hệ thống treo sau của chiếc SUV Trung Quốc giống hệt với linh kiện của chiếc Toyota Rav4 thế hệ cũ (Ảnh: iFeng).
Ban đầu, đây chỉ là một bài chia sẻ mẹo sửa xe sao cho tiết kiệm, nhưng sau đó nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý trên Internet.
Toyota Rav4 thế hệ cũ là một mẫu xe được thiết kế cách đây 20 năm. Điều đáng nói là khung gầm của nó và chiếc SUV Trung Quốc kia hoàn toàn giống nhau. Trang iFeng của Trung Quốc nói rằng có thể khẳng định chiếc SUV nội địa ra đời sau đã mượn thiết kế của hãng xe Nhật.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết họ không thể chấp nhận được việc năm 2022 rồi mà vẫn có xe nội "nhái" ô tô cũ của các thương hiệu nước ngoài.
Trên thực tế, vấn đề này không phải là mới đối với ngành công nghiệp bốn bánh. Việc sao chép này thường được gọi là kỹ thuật đảo ngược và đây được xem là giải pháp tối ưu để có thể đạt được kết quả mong muốn, trong khi chỉ mất một nửa công sức trong những thời điểm đặc biệt.
Đầu thế kỷ 20, hầu hết các thương hiệu mới của Trung Quốc đều dựa vào kỹ thuật đảo ngược để chế tạo ô tô, sao chép cấu trúc khung gầm của các mẫu xe đã có tên tuổi như Toyota Corolla, Rav4 hay Honda CR-V, Nissan Qashqai. Dựa trên cơ sở đó, các công ty Trung Quốc đã tạo ra những mẫu xe mới có kích thước, cấu trúc và bố cục khung gầm gần như tương tự với các mẫu xe gốc, thậm chí một số bộ phận có thể được chia sẻ trực tiếp cho nhau.
Bố trí khung gầm của chiếc Honda CR-V (Ảnh: iFeng).
Tại sao điều này lại xảy ra? Đối với ngành công nghiệp ô tô, để có thể phát triển và ứng dụng một nền tảng khung gầm mới, ổn định, đáng tin cậy thì các hãng xe phải bỏ ra rất nhiều tiền cũng như thời gian nghiên cứu thử nghiệm.
Ví dụ, Volkswagen đã đầu tư hàng chục tỷ USD trong vòng 8 năm vào việc nghiên cứu, phát triển mới cho ra được công nghệ khung gầm MQB. Theo đó, mỗi thương hiệu của họ đã sản xuất khoảng 6 triệu xe nền tảng MQB trước khi thu hồi được toàn bộ chi phí nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, Volkswagen là một tập đoàn lớn, có kinh nghiệm sản xuất ô tô dày dặn. Còn đối với những thương hiệu xe hơi mới, họ sẽ không thể đầu tư nhiều tiền và tâm sức vào việc nghiên cứu và phát triển nền tảng, vì vậy sử dụng kỹ thuật đảo ngược chính là lựa chọn duy nhất của họ.
Các nền tảng khung gầm đã khẳng định được tên tuổi, đến từ những thương hiệu nước ngoài chắc chắn không có sai sót lớn nào về độ bền kết cấu, độ tin cậy và chất lượng. Do đó, khi sao chép chúng, các hãng xe hơi khác có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền, với chi phí nghiên cứu và phát triển bằng 0.
Đồng thời, các hãng này có thể thực hiện một vài sửa đổi trên cơ sở đã có để đạt được hiệu suất tối ưu, theo yêu cầu của một chiếc ô tô mới. Ngoài ra, họ cũng có thể dần dần hiểu được và tiếp thu các khái niệm thiết kế của các thương hiệu nước ngoài thông qua kỹ thuật đảo ngược.
Ngoài khung gầm, động cơ và hộp số cũng là bộ phận được nhiều hãng áp dụng kỹ thuật đảo ngược để tồn tại trong thời điểm khó khăn. Ví dụ, bộ ly hợp kép khô DQ200 của Volkswagen, động cơ FP-DE 1.8L của Mazda và động cơ 1NZ-FE 1.5L của Toyota đều đã trở thành bản thiết kế cho các thương hiệu xe mới, dựa trên kỹ thuật đảo ngược.
Trong những năm gần đây, một số hãng xe Trung Quốc đã thực sự đầu tư vào nghiên cứu, phát triển động cơ. Về cơ bản, họ đã ngừng áp dụng kỹ nghệ đảo ngược và chuyển sang nghiên cứu, phát triển chuyển tiếp.
Những thứ như động cơ và hộp số phải được nâng cấp định kỳ vì các quy định về khí thải ngày càng khắt khe hơn. Nhưng có vẻ như việc sao chép cấu trúc khung gầm lại là một ngoại lệ. Vì xét cho cùng, các thông số như độ linh hoạt và độ cứng của khung gầm đều có thể được tinh chỉnh và người dùng cơ bản không thể trực tiếp nhìn thấy hay đánh giá khung gầm của một chiếc xe là tốt hay dở từ những dữ liệu đó.
Trên thực tế, nhiều mẫu xe quen thuộc với chúng ta vẫn sử dụng khung gầm cũ cách đây hơn chục năm. Ví dụ, Range Rover Evoque và Discovery Sport, bản chất khung gầm vẫn là nền tảng EUCD mà Land Rover có được khi còn thuộc về Ford. Ở góc độ này, có lẽ chúng ta cũng không cần quá ngạc nhiên khi xe mới sản xuất vẫn sử dụng khung gầm của Rav4 thế hệ trước.
Chiếc Zotye Z8 với khung gầm và máy của Mitsubishi từ thế hệ cũ (Ảnh: Sina).
Một ví dụ là Zotye Z8, mẫu xe Trung Quốc được xem là hấp dẫn tại thị trường Việt Nam cách đây 4-5 năm. Sản phẩm của công ty Trung Quốc nhưng sở hữu hệ thống khung gầm và động cơ Mitsubishi. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo niềm tin đối với mẫu xe này. Nhưng thực tế, động cơ 2.0L Turbo và khung gầm sử dụng thuộc thế hệ cũ, được giới thiệu khoảng hơn 10 năm trước.
Khi tìm hiểu và nhìn nhận thẳng vào vấn đề, có thể thấy rằng nhiều hãng xe Trung Quốc được đầu tư rất nhiều tiền vào nghiên cứu, phát triển, song cái họ thiếu chính là thời gian. Nhiều hãng xe là những cái tên còn khá mới mẻ, và khi cần chiếm thị phần càng sớm càng tốt thì sử dụng kỹ thuật đảo ngược có lẽ là con đường nhanh chóng và hiệu quả nhất đối với họ.
Kỹ thuật đảo ngược (Reverse Engineering), còn được gọi là kỹ nghệ đảo ngược, là quy trình kỹ thuật phân tích và nghiên cứu ngược về một sản phẩm tiêu chuẩn của dự án, để suy luận và thu được quy trình xử lý, cơ cấu tổ chức, thông số kỹ thuật hoạt động của sản phẩm... thiết kế các yếu tố để tạo ra các sản phẩm tương tự về chức năng nhưng không giống hệt nhau.
Kỹ thuật đảo ngược bắt nguồn từ phân tích phần cứng trong các lĩnh vực thương mại và quân sự. Mục đích chính của nó là suy ra nguyên tắc thiết kế của sản phẩm trực tiếp từ việc phân tích thành phẩm khi không thể dễ dàng có được thông tin sản xuất cần thiết.
Gia An/dantri.com.vn