Trong khi các quốc gia Đông Nam Á đưa nhiều chính sách thu hút nhà sản xuất và khuyến khích người dân sử dụng xe điện, Việt Nam đã đi trước một bước với việc làm chủ thương hiệu ô tô điện toàn cầu và sớm sở hữu hệ sinh thái xe điện khá toàn diện.
Chính sách thu hút đầu tư sản xuất xe điện tại Đông Nam Á
Cuộc đua ô tô điện tại Đông Nam Á đang nóng hơn bao giờ hết. Ngay trong tháng 12/2022, Tesla chính thức bước vào thị trường Thái Lan với 2 mẫu xe trình làng tại Bangkok. Trước Tesla, BYD và Great Wall Motor (Trường Thành) đã hiện diện tại "công xưởng ô tô" châu Á một thời.
BMW cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô hybrid (vừa chạy xăng vừa chạy điện) tại Thái Lan từ năm 2017. Trong khi đó, Mercedes-Benz mới đây đã thông báo sẽ sản xuất mẫu xe điện EQS tại Thái Lan vào cuối năm nay.
Xe ô tô điện mini trên đường phố Bangkok (Ảnh: ROMEO GACAD/AFP/Getty Images).
Tầm nhìn của Thái Lan là cạnh tranh với Indonesia trở thành trung tâm sản xuất xe điện vào năm 2035. Vì thế, Chính phủ nước này đang gấp rút hỗ trợ phát triển hệ sinh thái dành cho xe xanh. Đáng chú ý nhất là vào tháng 4 năm nay, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) đã phê duyệt gói ưu đãi trong đầu tư trạm sạc với mức miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3-5 năm tùy điều kiện cho các nhà đầu tư. Đây là chính sách được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hệ thống sạc tại đất nước này, đạt mốc 12.000 cổng sạc nhanh DC vào năm 2030.
Nóng không kém là Indonesia. Tháng 3/2022, Hyundai Motor đã khai trương nhà máy sản xuất tại đây. Sau khi mở cửa, nhà máy này là nơi sản xuất nhiều mẫu xe điện Ioniq 5. Liên doanh giữa GM Motors, SAIC và Wuling Motors (SAIC - GM - Wuling Automobile) cũng dự kiến bắt đầu được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này vào cuối năm nay. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia là có 2,2 triệu xe ô tô điện vào năm 2030.
Thủ đô mới của Indonesia sẽ trang bị làn đường sạc cho xe điện (Ảnh: Auto.economictimes).
VinFast vươn ra thế giới, thúc đẩy thị trường xe điện Việt Nam
Tại Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiềm năng với sự góp mặt của VinFast và một hệ sinh thái xe điện toàn diện.
Về sản phẩm, VinFast đã chính thức giới thiệu dải sản phẩm xe điện tại đầy đủ các phân khúc, từ A tới E. Hiện tại, mẫu SUV điện cỡ C của VinFast - VF e34 - đã tới tay người dùng từ tháng 12/2021, trong khi mẫu xe cỡ D - VF 8 - cũng đã bắt đầu được bàn giao vào tháng 9 năm nay.
Mới đây nhất, VinFast cũng chính thức mở cổng đặt cọc VF 5 Plus - mẫu xe điện hạng A được dự báo sẽ là mẫu xe tạo được sức hút lớn trên thị trường với mức giá chỉ trên dưới 500 triệu đồng nhưng có trang bị vượt trội so với các xe cùng phân khúc trên thị trường.
Thực tế, hiếm có hãng xe thuần điện nào có thể đưa vào thương mại hóa tới 4 mẫu ô tô điện chỉ trong hơn 2 năm, và thậm chí đã xuất khẩu xe điện đến thị trường Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện các thương hiệu ô tô lớn mang xe điện về Việt Nam chủ yếu chỉ để thử thị trường, chứ chắc chắn chưa có thương hiệu nào có thể triển khai bán hàng tới tận tay người tiêu dùng ở quy mô lớn như VinFast.
Nền tảng vượt trội của hệ sinh thái xe điện VinFast (Ảnh: VinFast).
Riêng về dịch vụ, nhiều chính sách độc đáo của VinFast đang gây ấn tượng mạnh và giúp người dùng dần thay đổi thói quen di chuyển. Đáng chú ý phải kể tới chính sách bảo hành từ 7 đến 10 năm của hãng xe Việt Nam, từng khiến các ông lớn trong ngành ô tô buộc phải thay đổi theo. Các tiêu chuẩn về dịch vụ luôn được VinFast "tự bứt phá", không chỉ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng mà còn là cam kết về chất lượng của hãng.
Ngoài ra, để tạo sự tiện lợi cho người dùng, hãng xe Việt Nam còn tiên phong triển khai dịch vụ sửa chữa lưu động (Mobile Service) cùng dịch vụ cứu hộ pin ô tô điện 24/7 (Mobile Charging). Khách hàng sử dụng xe VinFast cũng được hưởng đặc quyền sử dụng dịch vụ cứu hộ 24/7 miễn phí của hãng trong suốt thời gian bảo hành và nhiều đặc quyền của hệ sinh thái dịch vụ Vingroup. Đây cũng là một "giới hạn" mới mà các hãng ô tô khác khó vượt qua dù đã tồn tại ở thị trường Việt Nam cả thập kỷ.
Hệ thống trạm sạc theo tiêu chuẩn châu Âu của VinFast đã được lắp đặt tại 63 tỉnh/thành (Ảnh: VinFast).
Theo đánh giá của các chuyên gia, riêng về hạ tầng trạm sạc xe điện, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực và đi trước nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Mặc dù chưa có chính sách hỗ trợ như các nước, song hệ thống hạ tầng do VinFast chủ động phát triển hiện đã lên tới con số hàng vạn cổng sạc tại khắp 63 tỉnh/thành. Trong năm nay, theo kế hoạch, 150.000 cổng sạc của VinFast sẽ hoàn thành trên cả nước, mang lại sự an tâm cho người dùng.
Bản đồ trạm sạc của VinFast cũng được tính toán một cách khoa học, từ các trung tâm thương mại, chung cư, trường học tới các trạm dừng nghỉ trên cao tốc… Nhất là mới đây, VinFast đã cùng các đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước như Petrolimex, PVOil phát triển các cây xăng 2 trong một, đáp ứng cả đổ xăng và sạc điện cho các phương tiện.
Ngày 25/11/2022, VinFast đã hiện thực hóa giấc mơ xuất khẩu xe điện Việt Nam đi toàn cầu (Ảnh: VinFast).
Tham gia sau vào thị trường ô tô, nhưng với sự chủ động, chiến lược toàn diện và không ngừng tạo ra những chuẩn mực mới trong mọi mặt, VinFast đã thay đổi cơ bản cục diện thị trường ô tô tại Việt Nam. Theo giới chuyên gia, dù chỉ có một cái tên VinFast nhưng Việt Nam đang là thị trường hiếm hoi tại khu vực đang có hệ sinh thái xe điện đầy đủ ở cả 3 chân kiềng: sản phẩm, dịch vụ và hạ tầng. Điều này giúp nước ta từng bước hiện thực hóa mục tiêu 5 năm tới sẽ trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện quan trọng ở Đông Nam Á.
Trường Thịnh/dantri.com.vn