Việc giữ áp suất lốp ô tô ở mức độ chuẩn không chỉ giữ an toàn cho người dùng mà còn góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giúp chuyến du xuân cùng gia đình trở nên trọn vẹn.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán là dịp quây quần bên gia đình, xả hơi sau một năm dài làm việc và học tập. Đây cũng là thời điểm đẹp để thực hiện những chuyến du xuân cùng người thân trước khi bước vào một năm mới miệt mài với vòng xoay của những công việc.
Khởi động bất kỳ chuyến đi nào, ngoài việc chuẩn bị hành trang kỹ càng, người bạn đồng hành là những chiếc ô tô cũng nên được kiểm tra cẩn thận nhằm đảm bảo thuận lợi, an toàn. Trong đó, áp suất lốp là chi tiết mà người dùng nên lưu ý.
Áp suất lốp ô tô là gì?
Có thể hiểu, áp suất lốp ô tô là mật độ khí có trong lốp xe. Bánh xe ô tô có áp suất lốp vừa đủ sẽ giúp trải đều lốp ma sát, đảm bảo khả năng vận hành êm ái, gia tăng tuổi thọ lốp cũng như giúp tiết kiệm nhiên liệu.
Nếu lốp xe bị bơm căng (áp suất quá lớn) sẽ làm giảm độ bám đường, giảm hiệu quả của phanh, đem lại cảm giác xóc nảy lớn khi đi qua các đường gờ hay ổ gà. Bên cạnh đó, lốp xe bị căng quá còn dẫn đến tình trạng mòn lốp không đều.
Ngược lại, khi lốp xe có áp suất thấp (non), bánh xe sẽ gặp lực cản lăn lớn hơn, từ đó gia tăng mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Đồng thời, lốp cũng nhanh bị nóng, dẫn đến giảm tuổi thọ.
Tác động của áp suất lên lốp ô tô (Ảnh: yenphat.vn).
Các đơn vị đo áp suất lốp ô tô phổ biến nhất hiện nay là kg/cm2, PSI, KPa hay Bar. Trong đó:
- 1 kg/cm2 = 14,2 PSI.
- 1 PSI (pound per square inch) = 6,895 KPa.
- 1 KPa (kilopascal) = 0,01 Bar.
Những lưu ý về áp suất lốp
Áp suất lốp ô tô được khuyến nghị thông thường nằm trong khoảng từ 30 PSI (2,1 Bar) cho đến 35 PSI (2,4 Bar). Nhưng do tiêu chuẩn áp suất lốp khác biệt tùy theo dòng xe, chủ xe cần lưu ý kiểm tra và nhớ kỹ áp suất lốp tương ứng với dòng xe mình đang sử dụng.
Những thông số liên quan đến áp suất lốp thường được dán ở khung cửa ghế lái hoặc trên cột C. Nếu thay lốp của hãng khác mà không phải lốp nguyên bản theo xe, người dùng có thể kiểm tra thông số áp suất lốp tối đa ngay trên thành lốp.
Thông số áp suất lốp nguyên bản được dán ngay trên khung cửa phía người lái (Ảnh: ST).
Ngày nay, nhiều mẫu xe được nhà sản xuất trang bị cảm biến áp suất lốp để giúp người dùng thuận tiện theo dõi, nhanh chóng xử lý khi có thông báo áp suất lốp bất thường.
Nhưng đối với những dòng xe không có tính năng này, người dùng nên có thói quen thường xuyên kiểm tra lốp, 1 lần mỗi 2 tuần cho cả 4 bánh lẫn bánh dự phòng. Trong trường hợp du xuân, chở nhiều người với hành lý nặng, tốt nhất nên kiểm tra lốp hàng ngày.
Người dùng nên sử dụng đồng hồ đo áp suất chuyên dụng để đảm bảo độ chính xác, lưu ý chỉ kiểm tra khi lốp nguội (Ảnh: ST).
Nếu lốp non hoặc căng, người dùng cần bơm thêm hoặc xả để giữ cho áp suất lốp đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc thông số ghi trên thành lốp. Khi bơm, cần đứng thẳng hàng với mặt lốp ở khoảng cách 3m để bảo vệ bản thân, tránh bị thương tích trong trường hợp nổ lốp.
Theo dantri.com.vn