Tín dụng hạn chế, lãi suất tăng đẩy sức mua ôtô từ năm ngoái đến nay giảm không phanh
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 có nội dung giao Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), ưu đãi lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước; báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-3.
Sụt giảm nghiêm trọng
Chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh thị trường ôtô trong nước ảm đạm, doanh số sụt giảm, các hiệp hội, địa phương đã cùng kiến nghị gia hạn nộp thuế TTĐB năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe lắp ráp trong nước (CKD) để kích cầu. Hai chính sách hỗ trợ này được đề nghị ban hành ngay trong quý I hoặc đầu quý II nhằm thúc đẩy tiêu thụ ôtô tăng trở lại.
Ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Group), cho hay lượng tiêu thụ ôtô sụt giảm đột ngột bất chấp sự cải thiện đáng kể về nguồn cung linh kiện và tình hình kinh tế vĩ mô ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tháng 12-2022, tiêu thụ ôtô toàn thị trường chỉ đạt 36.348 chiếc, giảm hơn 34% so với cùng kỳ. Tháng 1-2023, tình hình không những không khá lên mà thậm chí còn sụt giảm mạnh hơn khi tiêu thụ giảm xấp xỉ 54% so với cùng kỳ. Căn cứ thị trường những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường cả năm có thể giảm 17,5%, tương đương giảm hơn 85.000 xe so với năm 2022.
Các đại lý ôtô đang trong cảnh ngóng khách .Ảnh: NGUYỄN HẢI
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất tăng ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu mua xe của người dân. Thống kê cụ thể của VAMA cho thấy doanh số bán xe toàn thị trường trong tháng 1 chỉ đạt 17.852 chiếc, giảm gần 60% so với tháng 12-2022 và 54% so với cùng kỳ 2022. Có hãng xe lượng bán chỉ bằng 30% của một tháng trước đó. Đây là tín hiệu bất thường và khá đáng ngại vì tháng có Tết thường là thời điểm lượng xe bán ra tăng cao. Sang tháng 2, doanh số bán xe tiếp tục giảm gần 10% so với tháng trước đó.
Trước áp lực lên dòng tiền, tồn kho của doanh nghiệp sản xuất xe trong nước đang rất căng thẳng, buộc các hãng phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi với người mua để tái cân bằng cung cầu. "Tuy nhiên nếu dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng đơn vị sẽ không đủ để tạo sức bật giúp thị trường xe trong nước tăng trưởng trở lại bền vững" - đại diện VAMA nhấn mạnh.
Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết tiêu thụ ôtô giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí cũng sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, các DN cơ khí sẽ khó duy trì nhịp sản xuất bình thường, buộc phải giảm công suất, nhân công. Điều này tác động trực tiếp tới lao động, việc làm, từ đó ảnh hưởng tới xã hội. Với đề xuất chính sách kích cầu lần này, theo các hiệp hội, sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm bớt áp lực dòng tiền và có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Kỳ vọng không lớn
Trước đó, trong giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã hai lần có chính sách gia hạn nộp thuế TTĐB và giảm lệ phí trước bạ (mỗi lần áp dụng trong 6 tháng) cho xe CKD hồi giữa năm 2020 và cuối năm 2021 kéo dài đến hết ngày 31-5-2022 đã giúp mức tiêu thụ ôtô tăng mạnh.
Tuy nhiên, lần này các DN ôtô không kỳ vọng quá nhiều vào chính sách hỗ trợ, bởi thị trường hiện nay bị ảnh hưởng lớn từ kinh tế toàn cầu gặp khó khăn và lãi suất trong nước còn cao. Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống ôtô Hiền tại TP HCM, cho biết kinh tế khó khăn nên những mặt hàng có giá trị lớn như nhà cửa, xe cộ bị ảnh hưởng trước tiên. Lãi suất cao càng làm cho những người có nhu cầu mua xe phải thay đổi quyết định. Do đó, dù hãng xe, đại lý có giảm giá, khuyến mãi cỡ nào, nhiều khách hàng cũng vẫn thờ ơ. "Giảm phí lệ phí trước bạ thực chất cũng là giảm giá xe nên trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi chưa dám kỳ vọng nhiều" - bà Hiền nói.
Cũng theo chủ hệ thống này, do năm vừa rồi, nhận định sai nhu cầu thị trường, không ai nghĩ sức mua sụt giảm sâu đến vậy nên mới nhập xe về ồ ạt, dẫn đến tồn kho rất lớn.
Ông Trương Kim Phong, Phó Tổng Giám đốc Marketing bán hàng và dịch vụ Ford Việt Nam, cũng cho rằng giảm phí trước bạ chỉ hỗ trợ phần nào chứ chưa thể giúp thị trường khởi sắc. "Lãi suất hiện còn cao tác động lớn đến sức mua, cũng như tổng thể nền kinh tế đang còn khó khăn, kể cả việc chưa thể tạo được miền tin cho người tiêu dùng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng, Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ ôtô mà nhiều mặt hàng không thiết yếu đều bị suy giảm sức mua. Để kéo sức mua trở lại không có giải pháp nào ngoài giảm giá, chiết khấu mạnh mẽ và đợi cho đến khi hạ nhiệt lãi suất. "Giảm thuế, phí mà lãi suất vẫn còn cao thì không ai dám bỏ tiền mua xe. Vì mua xe phần lớn đến từ vay tiêu dùng. Giảm thuế nhưng bị "dính" lãi suất nhiều lắm chỉ đưa tâm lý tiêu dùng về 0 chứ chưa tăng lên được" - chuyên gia này phân tích.
Nguyễn Hải/nld.com.vn
https://nld.com.vn/oto-xe-dien-may/oto-trong-nuoc-xin-uu-dai-de-kich-cau-20230311202343837.htm