Việc này cũng giống như xe xăng có mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế thường cao hơn nhiều so với thông số quảng cáo, nhưng sạc pin xe điện mất nhiều thời gian hơn đổ xăng, nên khó được thông cảm hơn.
Câu trả lời nằm ở bài thử nghiệm chính thức. Hiện tại, thông số về phạm vi hoạt động của xe điện được xác định theo Chu trình Thử nghiệm Đồng bộ dành cho Xe hạng nhẹ Toàn cầu (WLTP). Đây cũng chính là chu trình được dùng để xác định mức tiêu thụ nhiên liệu của xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn giống với điều kiện hoạt động của xe trong thực tế.
Cũng giống như việc trên thực tế, xe động cơ đốt trong thường tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn so với con số mà nhà sản xuất công bố, lý do của việc pin xe điện mau hết hơn so với quảng cáo là do điều kiện thử nghiệm lý tưởng hơn thực tế. Dù chu trình WLTP mới có tính thực tế cao hơn so với chu trình NEDC trước đây của châu Âu, nhưng nó vẫn không phản ánh chính xác điều kiện hoạt động thực tế của xe.
Trên thực tế, xe điện không hoạt động trong những điều kiện lý tưởng như khi thử nghiệm, nên pin hao nhanh hơn (Ảnh: Getty).
Với một chiếc ô tô điện, sự khác biệt giữa số liệu thực tế và thông số quảng cáo gây chú ý hơn vì việc xe mau hết pin hơn gây phiền toái nhiều hơn so với xe xăng. Việc đổ xăng chỉ mất nhiều nhất là 5 phút, còn việc sạc pin cho xe điện, dù là sạc nhanh cũng mất vài chục phút mới có thể tiếp tục hành trình.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là pin xe ô tô điện đỡ hao hơn trong điều kiện ấm áp và hao nhanh khi nhiệt độ xuống thấp. Do đó, các mẫu xe điện đời mới thường được trang bị hệ thống sưởi và làm mát pin khá phức tạp, để tạo nhiệt độ lý tưởng cho pin. Tuy nhiên, bản thân các hệ thống này cũng gây hao tổn năng lượng.
Được áp dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, chu trình NEDC mô phỏng các điều kiện lái xe ở đường đô thị và đường ngoại ô. Tuy nhiên, các bài kiểm tra chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm, thu thập dữ liệu trong điều kiện lý tưởng, dựa trên điều kiện vận hành điển hình ở châu Âu, thay vì sử dụng dữ liệu từ điều kiện thực tế tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Quy trình thử nghiệm WLTP được thực hiện ở 23 độ C và 14 độ C; trong đó, việc xe vận hành ở 14 độ C được lồng ghép vào điều kiện 23 độ C, sử dụng một công thức phức tạp. Nhiệt độ lạnh hơn sẽ khiến pin sụt nhanh hơn so với thông số đạt được ở điều kiện lý tưởng trong bài thử nghiệm; còn vào mùa hè, xe lại tốn năng lượng hơn cho việc chạy hệ thống làm mát. Pin hoạt động tốt nhất trong điều kiện thời tiết ấm áp và nhiệt độ ổn định.
Thêm vào đó, việc xe chạy các thiết bị như sưởi, quạt, sưởi ghế, đèn và gạt nước cũng tiêu hao năng lượng của bộ pin khi trời lạnh; hoặc điều hòa hoạt động hết công suất vào mùa nóng cũng vậy.
Một số tổ chức tiêu dùng đã tiến hành thử nghiệm để tìm hiểu mức chênh lệch giữa con số "lý tưởng" với tầm hoạt động thực tế của ô tô điện. Kết quả cho thấy, con số thực tế thấp hơn trung bình khoảng 1/5 so với mức mà nhà sản xuất công bố. Do đó, các chủ xe điện cần lưu ý điều này để có thể chủ động lên kế hoạch sạc pin cho xe trong mỗi hành trình.
Nhật Minh