Sau khi hoàn tất thủ tục phá sản và chuyển đổi chủ sở hữu, hãng xe SsangYong của Hàn Quốc giờ đây chính thức có tên gọi mới: KG Mobility.
KG đã mua SsangYong với giá 950 tỷ won, tương đương 733 triệu USD (Ảnh: Yonhap).
Từ đầu năm 2021, KG đã tiến hành thu mua và trả nợ cho SsangYong. Việc này hoàn tất vào tháng 12 năm ngoái. Và giờ đây, thương hiệu ô tô bé nhất Hàn Quốc cho biết các cổ đông đã nhất trí đổi tên từ SsangYong sang KG Mobility để xóa bỏ quá khứ, cũng là để mở ra tương lai mới cho công ty.
Trong bản thông cáo báo chí, việc đổi tên chỉ là bước đầu tiên trong sự chuyển đổi của công ty trong hoạt động kinh doanh, tập trung vào công nghệ di động, mở rộng sang cả lĩnh vực xe tự lái.
Đây không phải lần đầu tiên SsangYong có sự thay đổi tên gọi.
Công ty được thành lập vào tháng 1/1954 với tên gọi Ha Dong-hwan Motors, nhưng đến năm 1977 được đổi thành Dong-A Motors và sau đó là Ssangyong Motors vào năm 1988.
Thương hiệu này bị Daewoo Motors (giờ đây là GM Korea) mua lại vào năm 1997. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Daewoo gặp khủng hoảng tài chính, nên đã nhanh chóng bán cổ phần lại cho SsangYong.
Đến năm 2000, thương hiệu ô tô Hàn Quốc này bắt đầu gặp những vấn đề nghiêm trọng khi cổ phần bị chuyển nhượng liên tục. Cuối cùng, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc SAIC Motor nắm quyền kiểm soát SsangYong vào năm 2004. Tuy nhiên, việc này cũng không khiến tình hình dịu xuống. Người lao động Hàn Quốc không muốn bị quản lý bởi một doanh nghiệp ô tô nhà nước Trung Quốc vì lo sợ sẽ bị sa thải để cắt giảm chi phí. Việc này khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong năm 2006, công nhân SsangYong liên tục biểu tình để phản đối SAIC. Việc này chỉ chấm dứt khi các công nhân đồng ý tạm dừng nhận lương với điều kiện SAIC rót thêm vốn vào SsangYong.
SsangYong tiếp tục thua lỗ trong nhiều năm, cho đến cuộc Đại khủng hoảng vào năm 2009 thì hoàn toàn "gục ngã". Khi đó, SAIC sa thải nhiều nhân công, dẫn tới biểu tình. Ban đầu, công nhân chỉ chiếm giữ một số nhà xưởng, nhưng tình hình trở nên căng thẳng, có yếu tố bạo lực sau khi cảnh sát được gọi tới để trấn áp người biểu tình.
Tình hình căng thẳng kéo dài 77 ngày, công nhân tố SAIC ăn cắp công nghệ xe hybrid của SsangYong và không giữ đúng lời hứa rót vốn đầu tư. Ở đỉnh điểm khủng hoảng, SsangYong có vẻ như chỉ còn duy nhất lựa chọn là một lần nữa tự bán mình.
Mahindra & Mahindra Limited mua lại SsangYong vào năm 2011 với giá gần 460 triệu USD. Trong vài năm đầu, công ty có lãi nhưng dường như công ty mẹ thấy không mấy lạc quan. Dù thương hiệu ô tô Hàn Quốc ra mắt sản phẩm mới và doanh số đã được cải thiện vào năm 2015, nhưng Mahindra vẫn dừng bơm tiền vào SsangYong do thấy nợ nần quá nhiều. 75% cổ phần công ty đã được bán vào cuối năm 2020, ngay trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
SsangYong khi đó vẫn còn khoản nợ 285 triệu USD quá hạn và không có cửa nào để trả được nợ cho ngân hàng. Đã xuất hiện tin đồn về việc công ty có thể bị một số công ty xe điện mua lại; trong đó có BYD và Edison Motors, nhưng thực tế là không có gì diễn ra trừ một vài thỏa thuận hợp tác theo sự vụ.
Đến giữa năm 2022, KG Group đồng ý trả khoảng 700 triệu USD để mua 61% cổ phần SsangYong. Việc này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, nhưng SsangYong không có nhiều lựa chọn. Thương vụ đã được chốt, và giờ đây, SsangYong đổi tên thành KG Mobility, bắt đầu một trang sử mới.
KG Mobility giờ đây sẽ có slogan là "Go Different" (Tạm dịch: Hãy khác biệt), áp dụng từ mẫu Torres EVX trở đi.
Tại Việt Nam, thương hiệu ô tô Ssangyong từng khá được ưa chuộng, với các mẫu xe như Korando, Musso, Rexton, Stavic, hay Tivoli.
Tuy nhiên, dòng xe Hàn Quốc được chuộng hơn cả tại Việt Nam là Hyundai và Kia. Hai thương hiệu này cũng đạt được nhiều thành tích rực rỡ trên thị trường ô tô thế giới và không ngừng lớn mạnh. Kia và Hyundai cũng từng bước chinh phục khách hàng ở những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.
Theo dantri.com.vn