Sự rút lui của các hãng xe phương Tây đã thu hẹp lựa chọn của người tiêu dùng Nga, khiến họ buộc phải chuyển sang mua ô tô Trung Quốc.
Các thương hiệu Trung Quốc như Haval, Chery và Geely hiện chiếm gần 40% lượng ô tô mới bán ra tại Nga, theo số liệu của cơ quan phân tích thị trường Autostat và công ty tư vấn PPK. Con số này càng ấn tượng hơn khi so với thị phần chưa đến 10% trong hai tháng đầu năm 2022.
Không ít người tiêu dùng Nga vẫn e ngại chất lượng ô tô Trung Quốc nhưng hiện họ không có nhiều sự lựa chọn (Ảnh: Getty).
Theo Reuters, nhiều người mua ô tô ở Nga - cả cá nhân và các đại lý - đánh giá chất lượng của một số ô tô Trung Quốc thấp hơn so với các thương hiệu phương Tây. Các chuyên gia ngành xe cho rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cần tranh thủ thời điểm này để thay đổi quan niệm của người tiêu dùng.
Ngày càng trải nghiệm ô tô Trung Quốc nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ đi xe chung, Stepan (28 tuổi), nằm trong số những người cần được thuyết phục. Một trong những điểm khiến anh không hài lòng là hệ truyền động.
"Tôi đã mua một chiếc Skoda vào năm 2022. Nếu bạn muốn nghe nhận xét trung thực thì sự khác biệt (với ô tô Trung Quốc) là rất lớn", anh nói.
Skoda Auto, thương hiệu ô tô Séc thuộc Tập đoàn Volkswagen, đang chuẩn bị hoàn tất thỏa thuận bán tài sản ở Nga sau khi phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt do Moscow tấn công quân sự Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Khi mua chiếc ô tô Trung Quốc mới cho mình, ông Alexander (74 tuổi), đã tìm xe sử dụng công nghệ Thụy Điển. "Tôi biết rằng mẫu Tugella của Geely dùng động cơ Volvo. Đó là lý do tôi mua chiếc xe này", ông nói.
Tuy nhiên, ông tin rằng theo thời gian, chất lượng xe Trung Quốc sẽ được cải thiện.
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 24/3 phát biểu rằng việc hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc là tốt và quan niệm của người tiêu dùng đã lỗi thời.
"Chúng tôi từng cười nhạo một số thiết kế của họ, nhưng tôi lái thử một vòng và xem các thiết kế khác thì nhận thấy chiếc xe mà tôi đã cầm lái không thua kém gì xe Mercedes", ông nói
Không có cạnh tranh
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây đã ngừng hoạt động tại Nga vào năm ngoái. Trước đó, các hãng này đã phải "chiến đấu" với các thương hiệu nội địa để giành thị phần khi họ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Nga vào đầu những năm 2000.
Vladimir Shestak, tổng giám đốc của hệ thống đại lý ô tô Altair-Auto tại thành phố cảng Vladivostok (Nga) cho biết: "Xưa nay chúng tôi chỉ tập trung vào các thương hiệu Âu, Mỹ, Nhật Bản, không quan tâm tìm hiểu thị trường Trung Quốc, nên không biết rằng nó đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc".
Giờ đây họ tập trung kinh doanh xe Mercedes-Benz và Geely.
Mặc dù phần lớn các công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga hoặc đang chuẩn bị rời đi, nhưng lượng hàng tồn khi và nhập khẩu song song vẫn còn để cung cấp cho thị trường.
Thương hiệu Lada của nhà sản xuất nội địa Avtovaz là được ưa chuộng nhất ở Nga. Renault, thông qua việc trước đây nắm cổ phần kiểm soát Avtovaz, từng có thị phần cao nhất trong số các thương hiệu ô tô ngoại thời Nga chưa triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine.
Chuyên gia ngành xe Sergey Aslanyan cho biết, dù ô tô Trung Quốc đang ngày được cải thiện về mặt chất lượng, nhưng uy tín thương hiệu chưa cao.
"Đúng là hiện nay họ gần như không còn đối thủ cạnh tranh ở đây nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ nhanh chóng thay đổi quan điểm", ông nói.
Dữ liệu của Autostat và PPK cho thấy thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã đạt 37,15% trong hai tháng đầu năm nay, so với mức 9,48% của một năm trước đó. Trong khi đó, thị phần của các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm từ 70% xuống 22,6%.
Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh thị trường xe mới ở Nga sụt giảm 58,8% vào năm 2022, do mức sống thấp hơn và mong muốn sử dụng xe của các thương hiệu phương Tây đã khiến mọi người cắt giảm chi tiêu và tăng mua ô tô đã qua sử dụng.
Hãng Haval của Trung Quốc đã có nhà máy sản xuất ô tô tại Nga, còn ở Moscow, thương hiệu Moskvich có từ thời đại Liên Xô cũ, đang sử dụng phụ tùng động cơ, thiết kế và kỹ thuật của tập đoàn ô tô JAC (Trung Quốc).
Còn một vấn đề nữa giá. Ngay cả ông Medvedev cũng nhận xét rằng giá xe Moskvich có vẻ hơi cao - khoảng 2 triệu rúp, tương đương 26.195 USD. Trong khi đó, giá Lada Granta, mẫu xe bán chạy nhất ở Nga, có giá chỉ từ khoảng 680.000 rúp, tương đương gần 9.000 USD.
Phạm Trung Đức/dantri.com.vn