CEO Elon Musk của Tesla từng nói rằng điều duy nhất "kìm chân" ô tô điện chính là giá bán. Và các hãng xe Trung Quốc đang giải quyết khá tốt vấn đề này.
Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc tuần trước đã ra mắt mẫu Seagull tại Triển lãm ô tô Thượng Hải, khiến giới phân tích và các đối thủ cạnh tranh thấy choáng váng trước các thông số ấn tượng: cụm pin có thể cho xe khả năng di chuyển hơn 300km sau mỗi lần sạc đầy và giá bán quy đổi chỉ hơn 11.000 USD, bằng 1/4 hầu hết các mẫu xe điện đang có mặt trên thị trường châu Âu.
CEO Patrick Koller của nhà cung cấp ô tô Pháp Faurecia đã trò chuyện với lãnh đạo của hơn 20 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và cho biết trong số đó có nhiều công ty đang tìm cách chinh phục các thị trường mới, bao gồm cả châu Âu. Ông tin rằng "một chiếc ô tô hấp dẫn với người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là một chiếc ô tô hấp dẫn đối với người tiêu dùng châu Âu".
Mẫu xe điện Avatr 11 sử dụng giải pháp thông minh Huawei được trưng bày tại Triển lãm ô tô Thượng Hải hôm 23/4 (Ảnh: Reuters).
Tổng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong thời gian 3 năm (từ 2020 đến 2022) lên mức 2 triệu xe và dự kiến cán mốc 3 triệu xe trong năm nay, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như quý I vừa qua.
Nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc - BYD - đã xuất khẩu được 56.000 xe trong năm ngoái với mẫu xe điện Yuan Plus, hay còn gọi là Atto 3, được ưa chuộng đặc biệt. Mặc dù như vậy vẫn thấp hơn nhiều so với doanh số 271.000 xe điện mà Tesla đã xuất khẩu từ nhà máy ở Thượng Hải, nhưng điểm ấn tượng là lượng xe xuất khẩu của BYD đã tăng gấp 4 lần chỉ riêng trong năm 2022 và hãng đang đặt mục tiêu vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong năm nay.
Nhà sản xuất xe điện mới nổi tại Trung Quốc là Nio cũng nhắm tới thị trường châu Âu. Gần đây, công ty thông báo sẽ thành lập thương hiệu xe điện giá rẻ ở châu Âu và cũng có thể bán xe cả ở Mỹ. Việc này được cho là sẽ khiến CEO Elon Musk của Tesla và các đối thủ cạnh tranh khác không thể không lo lắng.
Zeekr, thương hiệu xe điện cao cấp thuộc tập đoàn ô tô Geely của Trung Quốc, cũng cho biết sẽ có mặt ở hầu hết các thị trường châu Âu từ năm 2026.
Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất ô tô có tên tuổi khác đang khai thác lợi thế của Trung Quốc về chuỗi cung ứng giá rẻ bằng cách xuất khẩu xe lắp ráp ở Trung Quốc. Ví dụ, BMW hiện xuất khẩu mẫu iX3 từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và châu Âu.
Thương hiệu Dacia của Renault đang xuất Spring EV, một mẫu hatchback giá rẻ tương tự như BYD Seagull, sang châu Âu và năm ngoái là nhà xuất khẩu xe điện lớn thứ hai ở Trung Quốc, chỉ sau Tesla.
Phạm Trung Đức