Hãng xe đến từ Nhật Bản xác nhận rằng có hơn 88.000 chiếc - hầu hết được bán dưới thương hiệu Toyota, thuộc diện ảnh hưởng trong bê bối này.
Ngày 28/4, Daihatsu phát đi thông cáo báo chí với nội dung xác nhận họ đã tác động vào phương tiện trái quy định, nhằm làm sai lệch kết quả của các bài kiểm tra va chạm đối với ít nhất 4 mẫu xe. Daihatsu là một thành viên của tập đoàn Toyota.
Đáng chú ý, một nửa trong số đó là những cái tên được không ít dùng Việt Nam quan tâm, đó là: Toyota Vios (Yaris ATIV) thế hệ mới và Toyota Wigo (Agya) thế hệ mới. Hai mẫu xe còn lại là Perodua Axia - "anh em song sinh" của Wigo, và 1 sản phẩm chưa ra mắt.
Danh sách có cả Vios lẫn Wigo thế hệ mới (Ảnh: Daihatsu).
Theo Reuters, trong quá trình kiểm nghiệm độ an toàn khi xảy ra va chạm bên hông, hãng ô tô này đã tự ý bổ sung một chi tiết bên trong tấm ốp cánh cửa ở hàng ghế trước của những dòng xe kể trên. Nó nhằm giảm thiểu nguy cơ tấm ốp nói trên vỡ thành những mảnh sắc nhọn khi túi khí bên bung ra sau va chạm, từ đó hạn chế thương tích cho người ngồi.
Tuy nhiên, chi tiết thay đổi này không hề xuất hiện trên xe nguyên bản được giao đến tay khách hàng, mà dành riêng cho những mẫu được gửi đến các tổ chức đánh giá độc lập như ASEAN NCAP. Vì lẽ đó, đây được xem là hành vi gian lận của Daihatsu. Điều này đồng nghĩa với việc các kết quả đánh giá an toàn của Perodua Axia (4 sao) hay Toyota Yaris ATIV (5 sao) là không hợp lệ.
Các xe được kiểm tra đã bị tinh chỉnh khác đi so với nguyên bản (Ảnh: ASEAN NCAP).
Có hơn 88.000 xe được xác định thuộc phạm vi ảnh hưởng, được phân phối tại Malaysia, Thái Lan, Mexico và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) bao gồm: Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Kuwait, Qatar, Bahrain và Oman. Hiện tại, Daihatsu đã báo cáo vụ việc đến các nhà chức trách, đồng thời đình chỉ công tác bán ra các lô hàng mới.
Hiện chưa rõ cá nhân hay tập thể nào đứng sau hoặc biết về hành động này trong Daihatsu, còn Toyota cho biết họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về tai nạn hoặc thương tích liên quan đến sự cố này.
Chưa có bất cứ thương tích nào do hành vi này được ghi nhận.
"Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã phản bội sự tin tưởng của khách hàng và các bên liên quan, cũng như vì đã gây ra sự bất tiện và lo ngại", tuyên bố của Daihatsu viết.
Về phía Toyota, ông Akio Toyoda - Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn, đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng và các đối tác trên toàn thế giới, đồng thời khẳng định việc làm của Daihatsu là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và tin rằng "vấn đề không chỉ nằm ở Daihatsu".
Ông cho biết rằng tập đoàn đã cử một đơn vị độc lập bên thứ ba điều tra toàn diện vụ việc này và cam kết sẽ cập nhật đầy đủ kết quả đến công chúng. Chủ tịch cũng đảm bảo các sai phạm tương tự sẽ không tái diễn trong tương lai.
Đối với những lô hàng chưa được bán ra thị trường, Daihatsu và Toyota sẽ tiến hành lại bài kiểm tra bằng xe nguyên bản trước sự chứng kiến của các cơ quan có thẩm quyền, và tiếp tục giao hàng nếu được xác nhận đủ tiêu chuẩn lưu hành. Còn với những xe đã đến tay khách hàng, thương hiệu Nhật Bản đảm bảo rằng khách hàng có thể tiếp tục sử dụng một cách bình thường.
Bê bối này là một đòn giáng mạnh vào thương hiệu ô tô giá trị bậc nhất thế giới năm 2022, ngay trong thời điểm Toyota đang đối mặt hàng loạt vấn đề: áp lực trở lại tốc độ sản xuất bình thường sau cuộc khủng hoảng thiếu hụt chất bán dẫn; ra mắt các ô tô điện có giá bán cạnh tranh; sự sụt giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Về phía Toyota Việt Nam, hãng chưa đưa ra bất cứ thông tin nào về việc các sản phẩm được phát triển bởi Daihatsu như Raize, Avanza Premio/Veloz Cross và sắp ra mắt là Wigo thế hệ mới có trong phạm vi ảnh hưởng hay không. Trong khi đó, Vios 2023 ở nước ta nhiều khả năng nằm ngoài vụ việc này, do xe chỉ là phiên bản nâng cấp thuộc thế hệ thứ 3 (ra mắt lần đầu vào năm 2013), không phải thế hệ mới nhất như tại Thái Lan, Malaysia hay Lào.
Theo dantri.com.vn