Những mẫu ô tô Trung Quốc rục rịch ra mắt Việt Nam đa phần là dòng SUV, nhưng cũng hứa hẹn sẽ có một mẫu bán tải và thêm lựa chọn về xe điện.
Việt Nam được đánh giá là thị trường ô tô tiềm năng với hơn 500.000 xe được bán ra năm 2022. Sang 2023, sức tiêu thụ sụt giảm do tình hình kinh tế khó khăn chung nhưng nhiều hãng xe mới vẫn quyết định "tham chiến".
Nổi bật trong đó chính là các thương hiệu Trung Quốc, rục rịch ra mắt sản phẩm trong nửa cuối năm nay. Điểm mới là nhiều hãng xe quyết định phân phối trực tiếp thay vì thông qua các đơn vị thứ ba, hứa hẹn mang đến cho khách Việt các chính sách bán hàng và hậu mãi tốt hơn.
Đa phần sản phẩm sắp ra mắt là xe gầm cao, được nhập khẩu từ thị trường khác Trung Quốc, thậm chí có hãng sẽ lắp ráp tại nước ta.
Haval H6
Một nguồn tin cho hay Haval lên kế hoạch ra mắt thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thương hiệu con trực thuộc Tập đoàn Ô tô Trường Thành (Great Wall Motors), một trong những tên tuổi xe hơi lớn ở Trung Quốc.
Sản phẩm đầu tiên có thể được giới thiệu tới khách Việt là Haval H6, dự kiến vào tháng 8. Xe định vị ở phân khúc C-SUV cùng cỡ với Mazda CX-5, Hyundai Tucson hay Kia Sportage. Nhiều khả năng H6 sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, bởi hãng có nhà máy lắp ráp đặt tại đây.
Việc nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thay vì Trung Quốc giúp Haval H6 có giá bán tốt hơn, phần nào gạt bỏ định kiến về chất lượng (Ảnh: CarAdvice).
Khi về Việt Nam, có thể Haval H6 sẽ sở hữu 2 tùy chọn động cơ. Đầu tiên là máy xăng, tăng áp, dung tích 2.0L, sản sinh công suất tối đa 201 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 320Nm. Hộp số là loại tự động ly hợp kép 7 cấp, hệ dẫn động cầu trước hoặc 4 bánh toàn thời gian.
Nội thất của Haval H6 đem lại cảm giác tràn ngập công nghệ đúng phong cách thiết kế xe Trung Quốc (Ảnh: Haval).
Thứ hai là hệ truyền động hybrid gồm động cơ xăng, tăng áp, dung tích 1.5L kết hợp với một mô-tơ điện tạo ra tổng công suất là 243 mã lực và 530Nm. Hộp số vẫn là loại tự động 4 cấp nhưng chỉ có dẫn động cầu trước.
Omoda 5
Từ 2022, hãng xe Trung Quốc Chery đã nhiều lần úp mở về việc quay trở lại Việt Nam sau hơn 10 năm vắng bóng. Hãng có kế hoạch phân phối các dòng xe của 2 thương hiệu con khác, trong đó có Omoda.
Sản phẩm đầu tiên dự kiến được giới thiệu trong năm nay sẽ là Omoda 5. Xe sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia trước khi chuyển sang lắp ráp trong nước vào năm 2024, một nguồn tin cho hay.
Omoda 5 được ra mắt lần đầu trong khuôn khổ triển lãm Ô tô Quảng Châu 2021 (Ảnh: CarAdvice).
Omoda 5 có chiều dài, rộng và cao lần lượt là 4.400mm, 1.830mm và 1.585mm. Xe được hãng định vị ở phân khúc SUV cỡ B, cạnh tranh Honda HR-V. Ngoài thiết kế hiện đại nhắm tới khách hàng trẻ, Omoda 5 hứa hẹn sẽ có các công nghệ đáng chú ý khi mở bán tại Việt Nam.
Tại thị trường Trung Quốc, Omoda 5 có các tính năng hỗ trợ người lái như: cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo và giữ làn đường, hỗ trợ chuyển làn, phát hiện và cảnh báo điểm mù, ga tự động thích ứng, hỗ trợ lái xe khi tắc đường, camera 360 độ…
Công nghệ và tính năng an toàn có thể là điểm nhấn trên Omoda 5 (Ảnh: CarAdvice).
Omoda 5 được trang bị động cơ xăng, tăng áp, dung tích 1.6L cho công suất tối đa 197 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 290Nm, hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp. Theo công bố của nhà sản xuất, xe có khả năng tăng tốc 0-100km/h trong 7,8 giây.
Tại Trung Quốc, Omoda 5 còn có phiên bản thuần điện. Nếu được đưa về Việt Nam, biến thể này sẽ có lợi thế cạnh tranh khi được miễn 100% lệ phí trước bạ theo chính sách hỗ trợ xe điện tại nước ta. Tuy nhiên, hệ thống trạm sạc công cộng sẽ là câu hỏi lớn.
Jeacoo 7
Jeacoo là thương hiệu con mới của Chery, được giới thiệu trong một sự kiện tổ chức tại thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào cuối tháng 4. Song song với Omoda, thương hiệu này cũng sẽ được ra mắt Việt Nam trong năm nay, dự kiến với sản phẩm đầu tiên là Jeacoo 7.
Jeacoo 7 sở hữu thiết kế gợi nhớ đến các mẫu xe của Land Rover (Ảnh: Jeacoo).
Trong thời gian đầu, Jeacoo 7 sẽ được nhập khẩu từ Indonesia giống Omoda 5 và sẽ chuyển sang lắp ráp trong nước sau. Xe được định vị ở phân khúc crossover B+ với chiều dài, rộng và cao lần lượt là 4.515mm, 1.865mm và 1.680mm.
Nội thất của Jeacoo 7 cũng có một số chi tiết tương đồng với các thương hiệu ô tô lớn (Ảnh: Jeacoo).
Động cơ của Jeacoo 7 nhiều khả năng sẽ giống Omoda 5, là máy xăng tăng áp, dung tích 1.6L cho công suất tối đa 190 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 290Nm. Hộp số là loại tự động ly hợp kép 7 cấp.
Haima 7X, 7X-E và 8S
Haima từng mở bán tại Việt Nam năm 2011 thông qua một đối tác ở Hải Phòng nhưng không đạt kỳ vọng. Trong lần trở lại, các sản phẩm của hãng xe Trung Quốc được nhập khẩu và phân phối bởi công ty CarVivu.
Ba mẫu xe Haima đầu tiên được mở bán gồm: 7X, 7X-E và 8S. Trong đó, 7X và 7X-E được định vị ở phân khúc MPV cỡ nhỏ, cạnh tranh cùng Mitsubishi Xpander. Còn 8S nằm ở phân hạng SUV cỡ C, đối đầu Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson.
Haima 7X từng xuất hiện tại Việt Nam trong một sự kiện nội bộ (Ảnh: Quốc Đạt).
Haima 7X được trang bị động cơ xăng tăng áp, dung tích 1.6L có công suất tối đa 195 mã lực. Xe sẽ được phân phối với 3 phiên bản, giá dự kiến khoảng 700-800 triệu đồng.
Mẫu MPV chạy điện Haima 7X-E cũng sẽ có 3 biến thể, với động cơ điện cho công suất tối đa 150kW và mô-men xoắn cực đại đạt 340Nm. Bộ pin đi kèm dung lượng tới 73,7kWh, cho phạm vi hoạt động tối đa 510km sau một lần sạc đầy, công nghệ sạc nhanh 30-80% pin trong 27 phút.
Giá dự kiến của Haima 7X-E sẽ lên tới hơn 1 tỷ đồng, không dễ để cạnh tranh với các mẫu xe cùng phân khúc đang bán ở Việt Nam. Sản phẩm cũng sẽ gặp phải thách thức về hệ thống trạm sạc công cộng.
Trong tầm tiền Haima 7X-E, khách việt có lựa chọn xe điện khác là VinFast VF 8 với giá không kèm pin từ 1,129 tỷ đồng (Ảnh: Haima).
Haima 8S sẽ có 3 phiên bản với giá bán từ hơn 600 triệu đồng. Xe sẽ được trang bị động cơ xăng giống 7X, dễ được khách Việt quan tâm nếu giá chính thức chỉ ngang SUV cỡ B.
Haima 8S có thiết kế phần đầu gợi nhớ đến Hyundai Santa Fe đời cũ (Ảnh: Haima).
QingLing Taga
Không có thông tin rầm rộ như các mẫu xe trên, QingLing Taga mới đây được phát hiện trong trung tâm kiểm định khí thải ở Hà Nội. Mẫu bán tải này có khả năng được VM Motors phân phối.
Tại Trung Quốc, Qingling Taga được mệnh danh là "Isuzu D-Max giá rẻ" khi sở hữu nhiều trang bị tương đồng mẫu xe Nhật, trong đó có cả động cơ dầu 3.0L có công suất tối đa 129 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 280Nm. Mẫu xe này dùng hộp số sàn 5 cấp.
Qingling Taga có kích thước tổng thể nhỉnh hơn một chút so với Ford Ranger với chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 5.660mm, 1.885mm và 1.825mm (Ảnh: CarChina).
Qingling Taga sẽ khó cạnh tranh về trang bị với Ford Ranger. Thay vào đó, mẫu xe này có thể nhắm tới nhóm khách hàng là những người dùng có nhu cầu mua bán tải giá rẻ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, chở hàng, công trường…
Ngoài những cái tên kể trên, một số mẫu ô tô điện mini đến từ Trung Quốc cũng được ra mắt Việt Nam trong thời gian tới, như Wuling HongGuang MiniEV hay Zhidou A01. Trong đó, Wuling HongGuang MiniEV được lắp ráp tại nhà máy của TMT Motors đặt tại Hưng Yên, mở bán vào cuối tháng 6 này.
Theo dantri.com.vn