Trong danh sách 10 xe bán chậm tháng 7, doanh số cộng dồn của 3 mẫu xe "dẫn đầu" thậm chí không được nổi 10 chiếc.
Từ 1/7, các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ theo chính sách hỗ trợ xe "nội" của Nhà nước. Cuộc đua doanh số thêm kịch liệt khi nhiều hãng xe và đại lý tiếp tục gia tăng khuyến mại để mở rộng khả năng cạnh tranh.
Điều này tạo nên áp lực không nhỏ cho các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những mẫu xe vốn thường xuyên chật vật tìm khách. Trong danh sách 10 mẫu ô tô bán chậm nhất thị trường Việt Nam tháng 7, có tới phân nửa không bán nổi 10 chiếc.
Suzuki Ciaz và Honda Accord quay trở lại Top xe "ế" tháng 7, lần lượt ở vị trí 1 và 2. Cả hai mẫu xe này không xuất hiện trên danh sách xe bán chậm tháng 6 do không được nhà phân phối công bố doanh số.
Ciaz chỉ bán được 1 xe trong cả tháng 7. Ở chiều ngược lại, Hyundai Accent tiêu thụ tốt nhất phân khúc sedan hạng B với 1.375 chiếc được giao tới tay khách hàng.
Ciaz và Accord đã "giúp" bộ đôi Suzuki Swift và Ertiga thoát "ế". Những mẫu xe không dành cho người dùng phổ thông như Honda Civic Type R, Toyota Alphard, Land Cruiser Prado và Ford Explorer vẫn góp mặt.
Toyota Hilux một lần nữa có doanh số thấp nhất phân khúc bán tải dù so với tháng 6, sức tiêu thụ của mẫu xe này đã cải thiện.
Các sản phẩm xuất hiện trên danh sách xe bán chậm tháng 7 đều được nhập khẩu nguyên chiếc. Xe Nhật chiếm đa số với 9 vị trí, trong đó có tới 4 mẫu xe đến từ nhà Toyota; xe Mỹ chỉ có một chiếc.
Nguyễn Lâm