VinFast không còn là 'hiện tượng'

Thứ 3, 21.01.2020 | 08:12:26
467 lượt xem

Hãng xe Việt đã ghi nhận doanh số sau năm đầu tiên hoạt động, thực sự bước vào cuộc chiến thị trường ôtô với các đối thủ sừng sỏ.

VinFast công bố đã nhận được 17.000 đơn hàng cho các mẫu ôtô là câu trả lời được giới truyền thông, người tiêu dùng và cả các đối thủ chờ đợi. Với con số này, hãng xe của Vingroup đã sòng phẳng cạnh tranh với hơn 20 hãng xe khác trong ngành, chứ không còn sống trong tấm áo "hiện tượng xe Việt" không có con số để chứng minh.

Lượng xe đã sản xuất là 15.300 xe. Hãng không công bố số xe đã giao cho khách cũng như con số cụ thể của ba mẫu Lux A, Lux SA và Fadil. Tuy vậy, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, không còn khó để bắt gặp xe VinFast trên đường, trong các hầm, bãi đỗ như cách đây nửa năm. Người Việt không còn lạ với xe logo chữ V nữa.

Xe VinFast trong hành trình Hà Giang hồi tháng 12/2019. Ảnh: Tuấn Cao

Xe VinFast trong hành trình Hà Giang hồi tháng 12/2019. Ảnh: Tuấn Cao

Giả sử 15.300 xe đã sản xuất là số thực bán trong 2019, con số này bằng một nửa của các thương hiệu tầm trung trên thị trường như Honda, Mitsubishi, Ford, Mazda, Kia - bán loanh quanh 30.000 xe. Ở tầm trên, Toyota và Hyundai tới gần 80.000 chiếc có chủ. 

Các chuyên gia trong ngành cho rằng con số này bước đầu như vậy là triển vọng tốt. Với ba mẫu xe, tính trung bình hơn 400 chiếc/tháng cho một mẫu, là con số chấp nhận được. Thông thường, với một mẫu xe mới tinh, các hãng thường đặt mốc kỳ vọng khoảng 300 chiếc/tháng. 

Fadil là cái tên mang trách nhiệm doanh số, chứ không phải hai mẫu xe tiền tỷ. Nguồn tin riêng của VnExpress cho biết Fadil chiếm khoảng 60% trong số xe hãng đã giao cho khách. Mẫu xe cỡ nhỏ nằm cùng phân khúc với Hyundai i10, nơi có nhiều người mua xe lần đầu, mua thêm cho gia đình. Hai tháng cuối năm, Fadil bán được 3.271 xe. Đây là thành tích tốt khi "ông vua" phân khúc là Hyundai i10 có doanh số 3.701 xe. Chính sách bán hàng miễn phí lãi vay trong hai năm phát huy hiệu quả kích cầu vào dịp cuối năm.

Trong nhóm xe cỡ A, Fadil được đánh giá có khả năng vận hành đầm, chắc so với nhiều đối thủ, tuy vẫn cần hoàn thiện ở các chi tiết nhỏ. Trong khi đó, Lux A và Lux SA nằm ở phân khúc tiệm cận hạng sang, nơi tập khách hàng nhỏ hơn nhiều. 

Con số 17.000 xe cũng đặt ra những thách thức cho hãng. Vì không còn là hiện tượng, những giá trị vô hình về niềm tự hào dân tộc hay tinh thần Việt sẽ dần bị cào bằng. Chuyên gia phân tích, để duy trì sức nóng thương hiệu, các mẫu xe mới sắp ra mắt cần cung cấp chất lượng ổn định, mức giá phù hợp với số đông khách Việt hơn nữa. "Khởi đầu như vậy là tốt, nhưng chưa thể đảm bảo bởi ngành công nghiệp cần đi đường dài", vị này nhận xét.

Cũng bởi sức mạnh thương hiệu đang tăng, áp lực cho VinFast trong 2020 là tăng trưởng hơn so với năm 2019 khi mà hãng có nhiều sản phẩm hơn. Trong ngành ôtô, chạy theo doanh số luôn là mục tiêu đính kèm nhiều rủi ro bởi liên quan tới kế hoạch sản xuất, mua linh, phụ kiện. Ngoài ra, áp lực về hệ thống đại lý, dịch vụ bán hàng, hậu mãi, bảo hành bảo dưỡng cũng là một vấn đề đau đầu mà nhiều hãng gặp. VinFast chưa có kinh nghiệm bán ôtô, nhưng hệ thống của GM để lại có thể giúp giải quyết một phần.

Khung xe Fadil được hàn ở nhà máy. Ảnh: Tuấn Cao

Khung xe Fadil được hàn ở nhà máy. Ảnh: Tuấn Cao

Giám đốc bán hàng một thương hiệu Nhật nhận xét VinFast biết điều này và thể hiện việc nghiêm túc theo đuổi ngành bằng những hoạt động kinh doanh gần đây. Vingroup bán mảng bán lẻ cho Masan, Adayroi dừng hoạt động, tích hợp vào VinID, VinPro bị giải thể và mới đây nhất rút khỏi mảng hàng không. Tất cả những hoạt động này đều nhằm tập trung nguồn lực vào mảng công nghệ và công nghiệp mà nổi bật hiện tại chính là VinFast và VinSmart. 

Vị này phân tích thêm, VinFast cũng đang đi đúng định hướng của Chính phủ là tập trung vào sản xuất, lắp ráp. Hãng này cùng với TC Motor và Thaco tạo nên thể "kiềng ba chân" trong ngành. Hàng loạt các nhà cung ứng đặt nhà máy trong tổ hợp sản xuất của hãng này ở Cát Hải, Hải Phòng. Tuy vậy, VinFast cho rằng vẫn cần có thêm chính sách để khuyến khích sản xuất, lắp ráp. Gần đây nhất, miễn thuế TTĐB cho phần tạo ra trong nước là quy định mà các hãng sản xuất, lắp ráp đều mong chờ.

VinFast về cơ bản khá thành công trong 2019 trong nhiệm vụ đưa thương hiệu xe Việt tới người tiêu dùng với những chiến dịch truyền thông, marketing trên diện rộng. Những chiếc xe đầu tiên cũng đã xuống đường, con số cũng được ghi nhận ban đầu với những triển vọng.

"Đường dài mới biết ngựa hay, VinFast cần duy trì nhiều năm để có thể đứng vững trong ngành bốn bánh, trở thành thương hiệu quốc gia như cách Hyundai và Kia đã làm được ở Hàn Quốc", chuyên gia phân tích. 

Đức Huy/vnexpress.net

https://vnexpress.net/oto-xe-may/vinfast-khong-con-la-hien-tuong-4044584.html

  • Từ khóa