Không chịu nổi "nhiệt" từ cuộc đua giảm giá khốc liệt, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giờ đây bắt đầu hoài nghi về chiến lược tập trung làm xe thuần điện.
Các hãng xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động ở thị trường nước ngoài (Ảnh minh họa: Reuters).
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xe điện sụt giảm và cuộc chiến giảm giá khốc liệt ăn lạm vào lợi nhuận vốn đã ít, lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely, GAC, và Changan kêu gọi sự điều chỉnh chính sách để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành ô tô Trung Quốc.
Ý kiến trên được đưa ra vài tuần trước khi diễn ra kỳ họp "lưỡng hội", một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc.
Ông Feng Xingya, chủ tịch GAC - tập đoàn sở hữu thương hiệu ô tô thuần điện Aion, và hiện là đối tác sản xuất xe động cơ đốt trong của Toyota và Honda tại Trung Quốc - đã đệ trình lên chính phủ một bản đề xuất, cho rằng sẽ rất mạo hiểm nếu Trung Quốc dồn tổng lực để làm xe thuần điện, và rằng xe dùng động cơ đốt trong vẫn sẽ đóng vai trò nòng cốt rất lâu nữa.
Ông cũng cho biết sẽ rất mạo hiểm nếu Trung Quốc quá phụ thuộc chỉ vào một loại năng lượng, nói thêm rằng xe dùng động cơ đốt trong tiết kiệm nhiên liệu vẫn có vai trò quan trọng trong ngành ô tô Trung Quốc.
Ông Feng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ghi nhận những lợi ích của xe hybrid bằng cách nới những quy định giới hạn đối với loại xe này.
Nhiều thành phố của Trung Quốc áp dụng định mức đăng ký hàng tháng đối với xe hybrid truyền thống (không cắm sạc ngoài). Một khách hàng có thể mua bất cứ loại xe nào mà họ thích, nhưng lại khó đăng ký biển số, do chính sách giới hạn số lượng (tùy thành phố), thông qua hình thức bốc thăm.
Xe hybrid cắm sạc (PHEV) và xe thuần điện không bị hạn chế đăng ký biển số như vậy, và được gắn loại biển riêng màu xanh lá.
Trong khi đó, chủ tịch Zhu Huarong của Changan cho biết tốc độ tăng trưởng của xe thuần điện vẫn phụ thuộc nhiều vào các chính sách ưu đãi của chính phủ, và cảnh báo rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không nên thỏa mãn với những thành công đã đạt được với xe điện ở thị trường trong nước.
Ông Zhu giải thích rằng lý do chính khiến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài không hào hứng làm xe thuần điện như doanh nghiệp Trung Quốc là vì họ hiểu rằng việc duy trì lợi nhuận từ xe thuần điện (khi không có ưu đãi) là cực kỳ khó.
"Họ (các nhà sản xuất ô tô nước ngoài) vẫn đang quan sát và chờ đợi cơ hội tốt nhất. Khi bắt đầu vào việc, họ có thể vươn lên nhanh chóng (trong lĩnh vực xe thuần điện) bằng cách sử dụng nguồn lực toàn cầu sẵn có", ông Zhu nói.
Changan hiện có thương hiệu xe thuần điện Avatr và thương hiệu Deepal chuyên về xe điện có dùng động cơ xăng làm máy phát (E-REV). Avatr và Deepal có quan hệ hợp tác với Huawei và CATL để sản xuất xe điện. Changan cũng là đối tác của Ford và Mazda ở Trung Quốc.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân Geely cho biết sẽ không từ bỏ động cơ đốt trong.
Geely vẫn theo đuổi chiến lược đa dạng sản phẩm, làm cả xe hybrid cắm sạc, xe thuần điện, và các công nghệ thay thế động cơ đốt trong, như động cơ chạy bằng methanol. Gần đây, Geely đã mua lại Polestar - thương hiệu xe thuần điện thua lỗ kéo dài - từ Volvo.
Volvo vẫn giữ mục tiêu đến năm 2030 sẽ chỉ làm xe thuần điện, nhưng giờ đây giảm bớt kỳ vọng, cho biết sẽ làm mới các mẫu xe hybrid cắm sạc - công nghệ cầu nối quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang xe thuần điện.
Lãnh đạo Geely cho biết công ty sẽ tiếp tục làm xe động cơ đốt trong vì ô tô truyền thống có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định cho doanh nghiệp trong thời gian chuẩn bị loạt sản phẩm mới cho tương lai.
Geely cũng đã có kế hoạch niêm yết thương hiệu xe thuần điện Zeekr của hãng lên sàn chứng khoán New York.
Xe thuần điện chiếm khoảng 30% tổng doanh số xe mới tại Trung Quốc. Nếu tính cả xe PHEV và E-REV, tỷ lệ sẽ tăng lên khoảng 40%. Trung Quốc gọi chung xe thuần điện (BEV), xe hybrid cắm sạc (PHEV), và xe điện dùng động cơ xăng làm máy phát (E-REV) là xe điện, phân loại là xe sử dụng năng lượng mới (NEV).
PHEV (bao gồm cả E-REV) là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất tại Trung Quốc, tăng 83% trong năm ngoái, so với mức 21% của xe thuần điện BEV.
PHEV cũng đang chịu áp lực giảm giá thấp hơn và ngày càng nhiều nhà sản xuất coi đây là sản phẩm cần thiết để duy trì sự ổn định cho hoạt động kinh doanh.
PHEV hiện đóng góp gần một nửa doanh số cho BYD tại Trung Quốc.
Theo dantri.com.vn