Thị trường dầu mỏ ngày càng biến động

Thứ 2, 03.04.2023 | 14:21:55
462 lượt xem

Giá dầu đã chạm mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua vào tháng 3 năm nay do tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng

Theo Bloomberg, khi cuộc khủng hoảng ngân hàng tháng trước gây ra hỗn loạn giá dầu mỏ, kéo hợp đồng tương lai dầu thô (WIT) ở London - Anh xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng là gần 70 USD/thùng, đã xuất hiện đồn đoán rằng Ả Rập Saudi và các đối tác của họ có thể can thiệp bằng cách cắt giảm sản lượng để vực dậy thị trường.

Dù vậy, bất chấp tất cả, trước thềm cuộc họp ngày 3-4, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số đối tác, gọi tắt là OPEC+, vẫn tỏ ra "án binh bất động". Ả Rập Saudi đã công khai tuyên bố rằng liên minh 23 quốc gia này nên giữ sản lượng ở mức ổn định tương đối trong cả năm và đó là phản ứng tốt nhất đối với thị trường dầu mỏ ngày một biến động.

Hiện tại, những lo ngại về hiệu ứng lan tỏa của cuộc khủng hoảng ngân hàng đang giảm dần khiến trọng tâm chú ý một lần nữa quay lại với nhu cầu dầu mỏ đang hồi sinh của Trung Quốc, bên cạnh áp lực đối với sản lượng khai thác của Nga kể từ khi nổ ra xung đột với Ukraine. Giá dầu thô giao tương lai đã tăng mạnh trở lại hồi tuần trước, lên gần 80 USD/thùng.

Thế nhưng, theo các nhà phân tích, vẫn còn nhiều "mây mù" phía trước. Mức giá 100 USD/thùng mà giới quan sát tin rằng sẽ sớm quay lại tiếp tục xa vời, bởi hoạt động xuất khẩu dầu của Nga vẫn chống cự lại được các lệnh trừng phạt quốc tế. Bloomberg đánh giá có khả năng nguồn cung toàn cầu sẽ trở nên dư thừa trong quý này.

Thị trường dầu mỏ ngày càng biến động - Ảnh 1.

Một giàn khoan tại mỏ dầu Zubair ở Basra - Iraq Ảnh: REUTERS

Sự phục hồi từ phía Trung Quốc cũng chưa nhanh như mong đợi, với mục tiêu tăng trưởng mà nước này đặt ra trong năm nay chỉ là 5%, một con số bị các nhà đầu tư dầu mỏ cho là khiêm tốn. Ngoài ra, dư âm từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ và vụ sáp nhập ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisee vẫn còn khó lường, khiến triển vọng dầu thô thêm thiếu ổn định.

Ông Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (trụ sở chính ở Canada), tin rằng "các nhà lãnh đạo của OPEC nhiều khả năng sẽ quyết định không cắt giảm sản lượng thêm nữa" nhưng cũng có thể thay đổi nếu từ đây đến cuối năm, thị trường lại xảy ra biến động.

Trên thực tế, các công ty giao dịch dầu mỏ hàng đầu như Trafigura (Singapore) và Gunvor (Thụy Sĩ) kỳ vọng giá dầu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi kinh tế Trung Quốc hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu vẫn trên đà tăng thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay - lên mức kỷ lục 102 triệu thùng/ngày, khiến thị trường rơi vào tình trạng thâm hụt trong mùa hè này.

Song song đó, sự ảnh hưởng của nguồn cung đến giá dầu chủ yếu xuất phát từ tình hình ở Nga. Là thành viên của OPEC+, Nga trong tháng 4-2023 đã tuyên bố giảm khai thác 500.000 thùng/ngày để trả đũa các lệnh trừng phạt và sẽ duy trì chính sách này đến hết tháng 6. Các nước phương Tây đã áp giá trần với dầu của Nga với mức 60 USD/thùng.

Cho đến lúc này, ngành dầu khí Nga vẫn trụ vững bằng cách chuyển thị trường sang châu Á. Tuy nhiên, thị trường này cũng đã xuất hiện dấu hiệu chững lại.


Anh Thư/nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thi-truong-dau-mo-ngay-cang-bien-dong-20230402205834072.htm

  • Từ khóa