Mở rộng hợp tác, quảng bá hình ảnh Công viên địa chất Lạng Sơn

Thứ 2, 31.07.2023 | 14:32:29
979 lượt xem

Thời gian qua, việc xây dựng, quảng bá hình ảnh Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, mở rộng hợp tác, liên kết là một trong những giải pháp được đẩy mạnh thực hiện và đạt hiệu quả tích cực.

Lãnh đạo Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn và thành viên Ban Quản lý CVĐC toàn cầu các tỉnh tham quan, khảo sát thực tế tại Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn

Xây dựng, thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong CVĐC và tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO là hai trong những tiêu chí bắt buộc của UNESCO. Chính vì vậy, việc mở rộng hợp tác, quảng bá hình ảnh luôn được ban quản lý các CVĐC đặc biệt quan tâm, trong đó có CVĐC Lạng Sơn.

Từ liên kết, thúc đẩy phát triển trong tỉnh

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cho biết: Liên kết, hợp tác phát triển du lịch là hoạt động vô cùng quan trọng mà Ban Quản lý CVĐC thực hiện thời gian qua. Chúng tôi đã và đang phát huy lợi thế để kết nối mạng lưới, thúc đẩy các mối liên kết hợp tác đa chiều với các đơn vị trong, ngoài tỉnh, kết nối với các ban quản lý CVĐC. Hiện chúng tôi đã và đang tham mưu cho ngành chức năng triển khai nhiều nội dung hợp tác, liên kết, tham gia, tổ chức các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác và quảng bá hình ảnh của CVĐC Lạng Sơn, đạt được những kết quả nhất định.

Theo đó, hoạt động liên kết giữa Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố được đẩy mạnh. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, ban đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức trên 50 cuộc họp trực tuyến bàn về các công việc xây dựng, phát triển CVĐC. Đồng thời, thành lập các đoàn đại biểu tham gia khảo sát thực địa và ký kết thỏa thuận hợp tác tại các CVĐC toàn cầu UNESCO đã được công nhận như: CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Bên cạnh đó, đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn tham dự Hội nghị Quốc tế về Công viên địa chất Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 7 tổ chức tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Satun, Thái Lan vào tháng 9/2022… Bên cạnh đó, ban cũng phối hợp với 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các huyện thành phố ký kết thỏa thuận đối tác xây dựng 4 tuyến du lịch trong vùng CVĐC.

Đồng hành cùng Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn, Tiểu Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn tại các huyện, thành phố cũng đã chủ động trong hoạt động liên kết, hợp tác. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt trong những năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng chúng tôi đã tham mưu UBND huyện tận dụng các khoảng thời gian để liên kết, làm việc bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Thỏa thuận đất đai xây dựng Trung tâm Thông tin CVĐC Lạng Sơn tại khu đất bãi đỗ xe đền Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh rà soát, hoàn thiện Dự thảo thoả thuận đối tác CVĐC Lạng Sơn.

Cùng đó, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cũng phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, rà soát, xác định cụ thể vị trí, quỹ đất, tình trạng sử dụng đất để xây dựng các trung tâm thông tin CVĐC Lạng Sơn; hệ thống bảng biển thuyết minh các điểm trên 4 tuyến du lịch CVĐC… Qua đó, 4 tuyến tham quan du lịch trong vùng CVĐC đã được hình thành, cụ thể: tuyến số 1: thành phố Hà Nội – huyện Hữu Lũng – huyện Chi Lăng – thành phố Lạng Sơn; tuyến số 2: thành phố Lạng Sơn – huyện Cao Lộc – huyện Văn Quan – huyện Bình Gia – huyện Bắc Sơn; tuyến số 3: huyện Bắc Sơn – huyện Văn Quan – huyện Chi Lăng – thành phố Lạng Sơn; tuyến số 4: thành phố Lạng Sơn – huyện Cao Lộc – huyện Lộc Bình – thành phố Lạng Sơn.

Ban Quản lý còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh quảng bá gắn logo CVĐC trên các sản phẩm có thương hiệu và đặc hữu của tỉnh như: hồi, quế, nông sản sạch cao khô, gà, rau sạch… cũng như tích cực giới thiệu các giá trị văn hóa, sản phẩm vùng CVĐC tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo, các sự kiện lớn của tỉnh.

Đến mở rộng, tăng cường hội nhập mạng lưới toàn cầu

Đối với công tác tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO. Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC toàn cầu tỉnh xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ trong nước và quốc tế cho việc xây dựng, phát triển CVĐC Lạng Sơn; giới thiệu, quảng bá CVĐC Lạng Sơn thông qua các hoạt động đối ngoại, các kênh ngoại giao và công tác thông tin đối ngoại.

Thực hiện việc kết nối với các đối tác trong nước và nước ngoài, xúc tiến quan hệ hợp tác xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, từ khi thành lập vào năm 2021 đến nay, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tích cực, chủ động tham gia hơn 50 hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Việt Nam như Chương trình đào tạo trực tuyến của Mạng lưới CVĐC toàn cầu với chủ đề “CVĐC toàn cầu UNESCO và phát triển bền vững”; Diễn đàn trực tuyến do Mạng lưới CVĐC Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức; Hội nghị quốc tế về CVĐC toàn cầu UNESCO lần thứ 9… Gần đây nhất, tháng 7/2023, Lạng Sơn đã vinh dự được lựa chọn đăng cai hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn cũng tổ chức làm việc trực tuyến với một số đối tác nước ngoài nhằm giới thiệu CVĐC Lạng Sơn, xúc tiến hợp tác, thu hút nguồn vốn về tri thức, kinh nghiệm xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn như: làm việc với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế, Chính quyền tỉnh Gangwon, Hàn Quốc; Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Quần đảo Oki và Trường THPT Oki, Nhật Bản; ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO và một số chuyên gia tư vấn cấp cao của Việt Nam…

Ngoài ra, hằng năm, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cũng tham gia các hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới CVĐC Việt Nam và định kỳ họp trao đổi chuyên môn với mạng lưới CVĐC trong nước và quốc tế theo hình thức trực tuyến. Việc trao đổi hợp tác trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO thông qua các hoạt động trao đổi, tham quan học tập và tăng cường hợp tác với các CVĐC toàn cầu cũng là một trong những kênh hiệu quả để mở ra cơ hội hợp tác cho Lạng Sơn với địa phương của các nước trên thế giới. Qua đó, tỉnh tăng cường thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thu hút sự quan tâm của du khách, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thăm và khảo sát tiềm năng hợp tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, cái tên CVĐC Lạng Sơn ngày càng xuất hiện với tần suất cao và được các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước nhắc đến. Trong tháng 7/2023, chúng tôi tìm kiếm trên Google từ khóa “Công viên địa chất Lạng Sơn” thì đã có trên 22 triệu kết quả. Bên cạnh đó, các bài báo, bài viết về CVĐC Lạng Sơn trên website, các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube đã nhận được sự quan tâm của độc giả với gần 100.000 lượt truy cập, chia sẻ, bình luận. Qua đó, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến Xứ Lạng..

Với những hướng đi đúng đắn của Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, việc quảng bá hình ảnh CVĐC Lạng Sơn sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao, từng bước vươn tới danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO.

“Đối với Lạng Sơn, việc tham gia các sự kiện của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO giúp tỉnh học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng CVĐC. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn, tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác quảng bá hình ảnh của CVĐC Lạng Sơn với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo hơn.


Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ nghiên cứu, quy hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học, nhà trưng bày, bảo tàng, khu tổ chức hội nghị, hội thảo và khu lưu trú, dịch vụ, khu vui chơi cho người dân, du khách… với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Địa điểm không nhất thiết phải sử dụng các khu vực trung tâm mà có thể quy hoạch những địa bàn xa trung tâm nhưng giàu tiềm năng phát triển du lịch, không nhất thiết phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước mà sẽ liên kết, hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng khu trung tâm này”.

Ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam


TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU

https://baolangson.vn/du-lich/600604-mo-rong-hop-tac-quang-ba-hinh-anh-cong-vien-dia-chat-lang-son.html

  • Từ khóa