Tạo điều kiện cho các tài năng trẻ thể thao phát triển

Chủ nhật, 16.06.2024 | 10:35:46
299 lượt xem

Một thực tế cho thấy, không ít bộ môn thể thao đỉnh cao ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng “khủng hoảng” về lực lượng vận động viên trẻ kế cận, chưa đủ khả năng thay thế khi các thế hệ vàng ra đi.

Nguyễn Khoa Diệu Khánh lọt vào trận chung kết vòng loại bóng bàn Olympic Paris 2024.

Điều này có thể thấy rõ nhất ở bộ môn bóng đá. Chúng ta đã và đang xây dựng được một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ ở cả cấp độ câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, từ đó tạo ra nguồn kế cận cho bóng đá nước nhà. Hiệu quả từ chiến lược đào tạo này đã góp phần mang lại những tiến bộ vượt bậc nhất là bóng đá trẻ trong gần 10 năm qua khi chúng ta liên tiếp giành được các ngôi vị cao ở các giải trẻ quốc tế từ U15 đến U19, U22 mà đỉnh cao là ngôi á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á năm 2018. Cũng chính lứa cầu thủ của đội tuyển U23 năm đó đã trở thành nền tảng trụ cột cho đội tuyển Việt Nam sau này với không ít những thành công ở khu vực và châu lục, đỉnh cao là thành tích vào tới vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta dường như không duy trì được thế phát triển bền vững đó khi lứa cầu thủ tài năng một thời đang dần suy giảm phong độ mà lứa trẻ thì có vẻ chưa đủ khả năng kế thừa cần thiết. Ở các cấp đội tuyển trẻ cũng như đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam đang có những bước thụt lùi về thành tích so với những nền bóng đá mạnh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.

Bên cạnh yếu tố huấn luyện viên thì một trong những nguyên nhân quan trọng đến từ chính lứa cầu thủ hiện tại không có nhiều nhân tố nổi bật, có khả năng tạo nên những đột biến hoặc khả năng thay đổi cục diện trận đấu bằng tài năng cá nhân như lứa cầu thủ trước. Các cầu thủ thiếu kinh nghiệm chinh chiến ở các sân chơi quốc tế, không có được sự chắc chắn trong tâm lý thi đấu mà phần lớn lý do là ít được cọ xát trong môi trường thi đấu khắc nghiệt của giải vô địch quốc gia cho đến các đấu trường khu vực và châu lục.

Trước đây, huấn luyện viên Park Hang-seo từng nhiều lần nêu lên ý kiến đề nghị những người có trách nhiệm của ngành bóng đá phải quan tâm, có cơ chế tạo điều kiện hơn nữa trong đào tạo cầu thủ, nhất là cầu thủ trẻ, biết đặt niềm tin và tạo điều kiện cho họ có cơ hội cọ xát. Ngay người kế nhiệm ông Park Hang-seo là huấn luyện viên Philippe Troussier sau này cũng thường xuyên đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ hãy tin tưởng và cho các cầu thủ trẻ tài năng cơ hội ra sân thi đấu nhiều hơn ở giải V.League 1 và hạng nhất để họ duy trì được phong độ, thể lực, cảm giác bóng, tích lũy kinh nghiệm và có thể khẳng định được khả năng của mình.

Nghịch lý là không ít ngôi sao trẻ tỏa sáng trên các đội tuyển khi trở về câu lạc bộ chủ quản lại không thể cạnh tranh được suất đá chính thức, thường phải ngồi ghế dự bị và vì vậy không có được kinh nghiệm tích lũy cần thiết.

Áp lực thành tích, sự thiếu tin tưởng cầu thủ trong nước, chủ yếu sử dụng ngoại binh khiến các chân sút trẻ Việt Nam không có cơ hội vào sân đang là một trong những lý do dẫn tới chất lượng đội hình các cấp đội tuyển nước ta không được bảo đảm và thiếu vắng tiền đạo giỏi.

Nhìn sang một số bộ môn khác cũng tương tự. Bóng bàn là một thí dụ cho tình trạng các tay vợt trẻ thiếu sự đầu tư tập huấn và cọ xát thi đấu ở các giải đấu đỉnh cao hay quốc tế. Trong nhiều kỳ giải vô địch bóng bàn quốc gia, các ngôi cao và huy chương chỉ luôn xoay quanh một số đội bóng và nhóm vận động viên, thậm chí có tay vợt nữ đã trở thành “tượng đài” bởi hơn 10 năm qua không ai vượt qua nổi.

Các kỳ giải có khá ít gương mặt trẻ nổi trội ở đấu trường đỉnh cao quốc gia với các cuộc “lật đổ” ngoạn mục, cho thấy công tác đào tạo trẻ của bóng bàn Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ. Để các vận động viên trẻ nâng cao trình độ kỹ chiến thuật, cải thiện thành tích cá nhân và vươn tầm, họ cần được thi đấu với những đối thủ có trình độ cao hơn để có được bản lĩnh, kinh nghiệm thực chiến và đa dạng hóa trong lối chơi. Ngoài công tác huấn luyện, một phần nguyên nhân là bộ môn và các câu lạc bộ thiếu kinh phí tập huấn, tham dự các giải đấu quốc tế thường xuyên, ngay cả các vận động viên đỉnh cao cũng chưa có điều kiện huống hồ là những tay vợt trẻ.

Đã đến lúc chúng ta cần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác đào tạo trẻ để có được một nền tảng phát triển mang tính liên tục, bền vững. Ngoài việc tăng cường đầu tư kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ, các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, câu lạc bộ cần có cơ chế, chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài, huy động nguồn lực, tạo điều kiện nhiều hơn nhằm có thể đào tạo một cách bài bản theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn cho vận động viên trẻ tài năng, giúp họ có thêm bản lĩnh, sự tự tin.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tao-dieu-kien-cho-cac-tai-nang-tre-the-thao-phat-trien-post814527.html

  • Từ khóa