Nga thiệt hại thế nào nếu Ukraine khóa van đường ống khí đốt sang châu Âu?

Thứ 5, 12.09.2024 | 08:46:06
438 lượt xem

Ukraine dự kiến sẽ dừng hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu vào cuối năm nay, động thái có thể gây ra thiệt hại hàng tỷ USD cho Moscow.


Nga thiệt hại thế nào nếu Ukraine khóa van đường ống khí đốt sang châu Âu? - 1

Một đường ống khí đốt của tập đoàn Nga Gazprom (Ảnh: Reuters).

Thỏa thuận cho phép khí đốt tự nhiên của Nga chảy vào châu Âu thông qua Ukraine sẽ kết thúc vào năm nay, và có thể gây ra thiệt hại lớn cho Moscow, nước vốn đang mất hàng tỷ USD doanh thu do các lệnh trừng phạt, một chuyên gia năng lượng nói với Newsweek.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt có thời hạn 5 năm được ký kết vào năm 2019 giữa công ty nhà nước Naftogaz của Ukraine và công ty Gazprom của Nga chấm dứt cũng có thể khiến Kiev mất đi một nguồn doanh thu quan trọng và làm tăng thêm sự bất ổn cho nguồn cung năng lượng của châu Âu vào mùa đông năm nay.

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, châu Âu đã tìm ra các phương án nhằm "cai" khí đốt Nga, trong đó có việc chuyển nhà cung cấp sang Na Uy và tăng nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu từ Nga đã giảm hơn 90% và Moscow đã mất đi thị trường sinh lợi hàng đầu của mình. Tập đoàn Gazprom, bao gồm các doanh nghiệp dầu mỏ và điện, đã công bố khoản lỗ ròng năm 2023 là 7 tỷ USD, lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ.

Năm ngoái, Nga đã vận chuyển 14,6 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine, giảm gần 2/3 so với mức 41,6 tỷ m3 trung chuyển vào năm 2021.

Từ trước đó, Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ sang châu Âu.

Theo một ước tính của Bloomberg, lượng khí đốt Nga chuyển qua Ukraine sang châu Âu mang lại cho Moscow 6,5 tỷ USD tính theo thời giá hiện tại.

"Ukraine cuối cùng cũng đã quyết định cắt đứt sự phụ thuộc vào Nga bằng cách khóa van. Gazprom sẽ mất gần 7 tỷ USD doanh thu từ động thái này, ngoài khoản lỗ 7 tỷ USD của năm ngoái, một đòn giáng mạnh đối với Moscow", James Hill, giám đốc điều hành của MCF Energy (Canada), nói với Newsweek.

"Mặc dù đây là động thái táo bạo của Ukraine nhưng nó cũng đặt ra thách thức đáng kể mà châu Âu phải giải quyết trước ngày hết hạn hợp đồng vào tháng 12", ông nói, đồng thời cảnh báo nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu "có thể gặp rủi ro".

Lượng khí đốt hiện tại chảy qua Ukraine chỉ cung cấp chưa đến 5% nguồn cung của châu Âu, nhưng việc không có thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga cũng khiến Ukraine mất 800 triệu USD mỗi năm tiền phí trung gian, theo Bloomberg.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán với Azerbaijan, quốc gia cung cấp khí đốt cho 8 nước châu Âu, nhưng cho đến nay "vẫn chưa có đề xuất cụ thể nào được thảo luận".

Các thỏa thuận với Kazakhstan và các nhà cung cấp năng lượng ở Trung Á khác cũng có thể khả thi, nhưng thời gian đang cạn dần trước khi kết thúc năm 2024.

"Hợp đồng trung chuyển 5 năm được ký kết vào năm 2019, trước cuộc chiến, đã tạo ra một khoản lợi nhuận lớn cho Kiev và Moscow", chuyên gia Hill cho biết.

Ông cho biết Ukraine và châu Âu phải có cách tiếp cận "mạnh mẽ" trước và sau khi hợp đồng hết hạn để đảm bảo an ninh và ổn định năng lượng.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-thiet-hai-the-nao-neu-ukraine-khoa-van-duong-ong-khi-dot-sang-chau-au-20240912071957518.htm

  • Từ khóa