Chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với ô tô nhập khẩu có thể gây xáo trộn trong chuỗi cung ứng.
Xe của tập đoàn Volkswagen sẵn sàng lên tàu để rời cảng Emden ở Đức (Ảnh: dpa).
Chỉ vài giờ sau khi chính thức có hiệu lực, mức thuế 25% mà Tổng thống Donald Trump công bố với ô tô nhập khẩu vào Mỹ đã bắt đầu có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Điều chỉnh hoạt động sản xuất
Tập đoàn Stellantis dự kiến tạm thời ngừng một phần sản xuất tại Canada và Mexico. Ford bắt đầu triển khai các chương trình giảm giá lớn để kéo khách hàng đến showroom, trong khi General Motors (GM) có kế hoạch tăng sản lượng xe bán tải tại Mỹ. Volkswagen thông báo với các đại lý rằng họ sẽ cộng thêm chi phí nhập khẩu vào giá xe vận chuyển sang Mỹ, còn Toyota cắt giảm giờ làm thêm tại một nhà máy ở Mexico.
Những động thái này cho thấy tác động tức thì của chính sách thuế mới từ Tổng thống Trump. Là một phần của cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn, các khoản thuế này được dự đoán sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến chi phí của hầu hết các mẫu xe tăng thêm hàng ngàn USD.
Hôm 3/4, Canada đã công bố kế hoạch áp thuế trả đũa 25% đối với xe sản xuất tại Mỹ.
Tất cả diễn ra ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa của tất cả các nước nhập khẩu vào Mỹ, cùng với các mức thuế bổ sung nhắm vào khoảng 60 quốc gia khác. Dù ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu được miễn trừ khỏi các loại thuế gọi là "thuế tương hỗ" đó, nhưng các hãng xe vẫn đang lao đao khi cuộc chiến thương mại leo thang.
Mỹ cũng sẽ giữ nguyên mức thuế 25% hiện tại đối với Canada và Mexico, còn các sản phẩm tuân thủ hiệp định thương mại tự do giữa ba nước sẽ tiếp tục được miễn trừ vô thời hạn. Các mức thuế này ban đầu được áp dụng nhằm gây áp lực ngăn chặn tình trạng buôn lậu fentanyl. Nếu các mức thuế ban đầu bị gỡ bỏ, ba nước sẽ chuyển sang áp dụng chế độ thuế mới.
Fentanyl là nguyên nhân của phần lớn các ca tử vong do dùng ma túy quá liều tại Mỹ, với con số vượt 100.000 ca mỗi năm trong những năm gần đây. Giới chức Mỹ cho biết Canada và Mexico là điểm trung chuyển của loại ma túy này và các hóa chất tiền chất, thường được nhập lậu vào Mỹ trong các gói hàng nhỏ không bị hải quan kiểm tra.
Làn sóng mua xe né thuế
Người tiêu dùng Mỹ đã vội vã đến các đại lý để kịp chốt mua xe trước khi giá có thể tăng do tác động của thuế. Điều này khiến doanh số tháng 3 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2021, theo nhà phân tích Ryan Brinkman của JP Morgan.
Tuy nhiên, khi nguồn cung hiện tại hết, các hãng xe sẽ phải đối mặt với việc chi phí tăng cao và chuỗi cung ứng bị xáo trộn nghiêm trọng.
Lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô đang tiếp tục vận động chính quyền để giới hạn ảnh hưởng của chính sách. Ford, GM và Stellantis đang nỗ lực loại trừ một số linh kiện giá rẻ khỏi danh sách chịu thuế.
Vào ngày 3/4, Ford công bố chương trình giảm giá gần như toàn bộ dòng xe của hãng để thu hút khách hàng.
Chương trình ưu đãi "Từ nước Mỹ, vì nước Mỹ" của Ford, kéo dài đến ngày 2/6, áp dụng mức giá ưu đãi như với nhân viên dành cho tất cả khách mua xe, gợi nhắc chương trình "Giữ cho nước Mỹ tiếp tục vận hành" với lãi suất 0% mà GM từng tung ra sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, giúp hồi sinh doanh số ô tô trong thời kỳ kinh tế ảm đạm.
Lãnh đạo ngành ô tô cho biết họ ủng hộ mục tiêu của Trump là tăng cường sản xuất ô tô tại Mỹ và mở rộng nền sản xuất nội địa. Nhưng có thể sẽ mất nhiều năm để di dời nhà máy lắp ráp, và có thể không khả thi với các nhà cung ứng linh kiện đang gặp khó khăn về tài chính.
Các hãng xe châu Âu
Ông Jörg Burzer, giám đốc sản xuất của Mercedes-Benz, hôm 3/4 cho biết hãng đang cân nhắc tăng cường sản xuất tại Mỹ để ứng phó với thuế. Công ty cũng đang xem xét việc rút các mẫu xe giá rẻ như SUV cỡ nhỏ GLA khỏi thị trường Mỹ, vì thuế sẽ khiến việc kinh doanh chúng không còn hiệu quả về mặt kinh tế, theo hãng tin Bloomberg.
"Chúng tôi vẫn đang đánh giá tác động của các mức thuế. Chúng tôi đã có vài kế hoạch, nhưng tính linh hoạt là yếu tố then chốt", ông Burzer chia sẻ bên lề một sự kiện tại Stuttgart, Đức.
Tổng Giám đốc điều hành Håkan Samuelsson của Volvo Car AB cũng cam kết sẽ tăng sản lượng xe tại Mỹ và chuyển việc sản xuất một mẫu xe khác tới nhà máy ở Nam Carolina. Ông cho biết Volvo sẽ phải xem xét kỹ xem sẽ bổ sung mẫu xe nào vào dây chuyền sản xuất tại Mỹ.
Trong khi đó, Volkswagen AG đã gửi một bản ghi nhớ đến các đại lý tại Mỹ, cảnh báo rằng hãng có kế hoạch cộng thêm phí nhập khẩu vào giá niêm yết của những mẫu xe chuyển đến Mỹ.
Theo dantri.com.vn