Ngày càng nhiều quốc gia áp lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa vì nCoV. Khó có ai dự đoán chính xác kịch bản du lịch hậu Covid-19.
Tốc độ lây lan nCoV gây ra những hệ quả khủng khiếp, song ngành công nghiệp từng hồi phục từ những cuộc khủng hoảng trong quá khứ và các chuyên gia tin rằng, thị trường sẽ bình ổn sau đại dịch.
"Người ta chưa thay đổi nhu cầu muốn đi đây đi đó, nhưng họ sẽ cẩn trọng hơn rất nhiều về việc định làm. Và họ không chỉ cần đảm bảo đi lại an toàn, mà còn cần thấy những thay đổi rõ rệt để những chuyến đi an toàn hơn", Adam Blake, trưởng phòng nghiên cứu của Khoa Du lịch và Khách sạn tại Đại học Bournemouth, Anh, nhận định.
Tuy nhiên, giáo sư kinh tế này cho biết, ông không biết khi nào và bằng cách nào thế giới sẽ vượt qua đại dịch Covid-19. Nhưng một khi tình hình khủng hoảng y tế công cải thiện, giá cả dịch vụ sẽ tụt dốc đến một mức nhất định - đủ để thôi thúc khách đi du lịch trở lại.
Tàu biển
Christopher Anderson, giáo sư tại Trường Đào tạo Khách sạn của Đại học Cornell (New York, Mỹ), dự đoán chắc chắn tour tàu biển sẽ rẻ vô cùng khi ngành du thuyền hoạt động trở lại. Ông cho rằng, việc thiết kế lại một số du thuyền mới vẫn đang được đóng mới với các khoang lớn hơn với mật độ hành khách ít hơn có thể là giải pháp để thu hút khách hàng mới. Cắt giảm buffet và nghiêng về phục vụ những bữa ăn gọi món, với các mức giá khác nhau có thể là cách khác để trấn an những du khách nghi ngờ về mức độ an toàn của du lịch tàu biển, ông nói.
Thách thức của ngành du thuyền là thu hút khách hàng mới đến với tour tàu biển sau hàng loạt tin tức về nCoV lây lan trên du thuyền, lệnh hạn chế và cấm tàu du lịch cập cảng... Ông Anderson cho rằng, điều này có thể quyết định chuyện sống còn của doanh nghiệp. Ảnh: AFP.
Khách sạn
Bên cạnh đó, mọi doanh nghiệp từ du thuyền, nhà nghỉ hay khách sạn, đều phải thay đổi cách thức kiểm soát và vệ sinh môi trường để tương tác với khách hàng, và trao đổi lại để đảm bảo khách hàng thoải mái nhất có thể.
Jan Freitag, Phó chủ tịch cấp cao của Lodging Insights - đơn vị chuyên phân tích khách sạn STR, cũng nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo vệ sinh. Doanh nghiệp du lịch cần áp dụng "các biện pháp mới có thể nhìn thấy rõ". Dù phải đặt dung dịch rửa tay ở mọi nơi hoặc thường xuyên khử trùng các bề mặt cứng, họ sẽ truyền tải rõ tới khách hàng rằng "đây là những gì chúng tôi đang làm để giữ an toàn cho bạn", ông gợi ý.
Đầu tháng 4, gần 80% khách sạn tại Mỹ trống không, theo báo cáo của STR. Ông Freitag nhận định, giá phòng phải sụt mạnh trước khi tăng trở lại. Trong lịch sử, vào những thời điểm khủng hoảng lớn như vụ tấn công 11/9 hoặc suy thoái năm 2009, ngành khách sạn phải mất gấp đôi thời gian để giá phòng tăng trở lại so với khi giảm xuống mức thấp nhất, Freitag nói.
Chuyên gia này không thể dự đoán nguy cơ sụp đổ của bất kỳ phân khúc nào trong ngành khách sạn Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ có xáo trộn nội bộ - trong nhiều trường hợp những thay đổi này sẽ vô hình với khách. Các khách sạn có thể bí mật đổi chủ nhưng vẫn hoạt động và thuộc cùng một thương hiệu.
Giáo sư Anderson đánh giá khách du lịch có thể cảm thấy an toàn hơn trong khách sạn so với nhà trọ cho thuê. Bởi, nếu tiết kiệm được tiền, du khách lại chịu thiệt về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn vệ sinh của những căn phòng cho thuê trên các nền tảng như Airbnb. Do đó, ông dự đoán sẽ có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với dịch vụ cho thuê như Airbnb hậu Covid-19.
Khách du lịch ở quảng trường Piazza Duomo, Milan vào 24/2, trước khi Italy trở thành tâm dịch đầu tiên của châu Âu. Ảnh: Maxppp/Marco Passaro.
Hàng không
Mọi người sẽ thoải mái hơn khi đi máy bay nếu khoang vắng khách hơn ngay cả khi hết dịch bệnh, Anderson bày tỏ. Nếu thực sự muốn xoay chuyển tình thế này, các hãng hàng không phải bay với hàng ghế giữa trống - thực hiện giãn cách xã hội, giá vé thấp hơn đáng kể so với khuyến mại vào mùa hè năm ngoái và chính sách đặt - hủy chuyến sẽ ít nghiêm ngặt hơn trong một thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, giáo sư Anderson hy vọng giới doanh nhân sẽ giúp ngành hàng không hồi phục. Dù nhiều doanh nghiệp có thể thoải mái hơn khi tiến hành các cuộc họp online, mong muốn giao dịch trực tiếp sẽ giúp thúc đẩy những chuyến công tác.
"Tôi tin rằng mọi người cần tương tác trực tiếp, và việc các giao dịch kinh doanh thông thường bị đình trệ trong thời gian dài có thể kích thích nhu cầu đi máy bay, khi mọi người tìm cách khởi động lại và tạo cơ hội kinh doanh", ông nói.
Cơ hội
"Khi bước vào năm 2021, chúng ta sẽ khôi phục lại tất cả như tôi tưởng tượng", giáo sư Anderson lạc quan. Ông nhận thấy thị trường du lịch công vụ hồi phục đầu tiên, tiếp theo là du lịch giải trí nội địa, còn thị trường outbound có khả năng tụt hậu.
Peter Greenberg, nhà báo du lịch của đài CBS, cho biết, cơ hội để giải quyết các vấn đề của ngành du lịch vốn là mối quan tâm hàng đầu trước khi nCoV xuất hiện.
Quá tải du khách, khai thác bền vững và bảo vệ môi trường là một số chủ đề được bàn luận nhiều nhất về ngành du lịch trước đại dịch.
"Chúng ta có thể trở lại vấn đề này một cách có trách nhiệm và đạo đức hơn khi cuộc khủng hoảng này kết thúc", Greenberg nói.
Bảo Ngọc/vnexpress.net
https://vnexpress.net/the-gioi-di-lai-ra-sao-sau-dai-dich-4084548.html