Phát triển cây ăn quả: Hướng đi mới ở Thống Nhất

Thứ 4, 09.02.2022 | 15:14:38
752 lượt xem

Thời gian qua, người dân xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đã tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định. Hướng đi mới này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho bà con trên địa bàn.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng bưởi của gia đình chị Lâm Thị Thưởng, thôn Nà Vàng. Vừa tất bật hái quả để giao cho khách, chị Thưởng vừa cho biết: Trước đây, gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ lúa, ngô nên hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với việc tham quan thực tế một số mô hình hiệu quả trên địa bàn huyện, năm 2012, gia đình tôi chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 100 cây bưởi Diễn. Sau 4 năm cây bắt đầu cho bói quả, trung bình mỗi cây cho thu từ 30 – 50 quả. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây ăn quả, năm 2016, gia đình tôi đã trồng thêm 300 cây bưởi và 1.000 cây cam. Cứ đến mùa thu hoạch, khách quen ở Bắc Giang, thành phố Lạng Sơn lại tìm về tận vườn đặt mua. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch trên 4 tấn bưởi và 2 tấn cam, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Bà Lâm Thị Thưởng, thôn Nà Vàng, xã Thống Nhất thu hoạch bưởi

Không chỉ riêng gia đình chị Thưởng, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như: bưởi, mận, hồng, cam… đem lại thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Nếu như năm 2015, diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã chỉ khoảng 20 ha tại 4/18 thôn thì đến nay, toàn xã đã phát triển gần 70 ha cây ăn quả, trong đó, 80% diện tích đã cho thu hoạch.

 Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng ngô, lúa và một số loại cây ngắn ngày khác. Tuy nhiên, thu nhập từ những loại cây này không cao. Từ năm 2016 đến nay, UBND xã xác định trồng cây ăn quả là hướng đi mũi nhọn góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, hằng năm, xã đã vận động bà con cải tạo đất trồng lúa, đất nương kém hiệu quả để trồng cây ăn quả; tạo điều kiện cho các gia đình tham gia tập huấn của huyện về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, trung bình mỗi năm từ 2 đến 4 lớp, mỗi lớp từ 30 đến 50 học viên  nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vào sản xuất.

Bên cạnh đó, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, xã đã có trên 400 lượt hộ được vay vốn ưu đãi để trồng và chăm sóc cây ăn quả với tổng dư nợ vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Bình đạt gần 20 tỷ đồng.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động tích cực từ người dân, việc trồng và phát triển cây ăn quả đang dần đem lại thu nhập cho người dân. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 17,1% (giảm 30% so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nhận xét: Thống Nhất hiện nay là xã có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất toàn huyện (tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện đạt 110 ha) và bước đầu có thị trường ổn định, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, bền vững, người dân. Bà con nơi đây cũng ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh về cây ăn quả.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thống Nhất tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng, tích cực đưa các loại giống cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang lại giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tích cực áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng… Từ nay đến cuối năm 2022, xã phấn đấu thành lập một tổ hợp tác hướng tới sản xuất các sản phẩm nông sản sạch (chủ yếu là các loại cây ăn quả) theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/480202-phat-trien-cay-an-qua-huong-di-moi-o-thong-nhat.html

  • Từ khóa