LSTV - Tuần 1 Thứ ba, ngày 07 tháng 11 năm 2023
Thưa quý vị và các bạn
Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:
Câu 1. Lý Thị Nga trú tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc hỏi: Những ai là người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em? Nội dung khai sinh cho trẻ em gồm những gì?
Trả lời
Theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em như sau:
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
- Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
Như vậy, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 và quy định sau đây:
- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;
- Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em
sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014.
Câu 2. Bà Đỗ Thu Bích trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Người bị tố giác được mời đến cơ quan công an làm việc thì được phép thực hiện các quyền gì? Pháp luật quy định như thế nào về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác?
Trả lời
Tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có các quyền sau:
- Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
- Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Lưu ý: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.
Đối với câu hỏi quy định của pháp luật về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, chúng tôi căn cứ theo Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố để trả lời như sau:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: Luật sư; Bào chữa viên nhân dân; Người đại diện; Trợ giúp viên pháp lý.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
+ Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
+ Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người
bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
+ Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:
+ Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;
+ Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Câu 3. Ông Hoàng Văn Vượng trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quỹ bảo hiểm xã hội là gì và pháp luật quy định như thế nào về Quỹ bảo hiểm xã hội?
Trả lời
Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Quỹ bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
1. Các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội: Căn cứ Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì các nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Người lao động đóng theo quy định tại Điều 85 và Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
- Hỗ trợ của Nhà nước.
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội: Căn cứ Điều 83 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm:
- Quỹ ốm đau và thai sản.
- Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Quỹ hưu trí và tử tuất.
3. Chế độ sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
(1) Trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại Chương III và Chương IV Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(2) Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
(3) Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định, cụ thể:
- Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
+ Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;
+ Cải cách thủ tục bảo hiểm xã hội, hiện đại hóa hệ thống quản lý; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng bảo hiểm xã hội;
+ Tổ chức thu, chi trả bảo hiểm xã hội và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp.
- Nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ.
Định kỳ 03 năm, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.
(4) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
(5) Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định, cụ thể:
- Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
- Các hình thức đầu tư
+ Mua trái phiếu Chính phủ.
+ Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Cho ngân sách nhà nước vay
Nguyễn Thu Huệ – Chuyên viên phòng phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn