Trả lời bạn xem truyền hình ngày 18/06/2024

Thứ 4, 26.06.2024 | 08:45:05
187 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. La Mạnh Hiền trú tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng hỏi: Những ai là người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em? Nội dung khai sinh cho trẻ em gồm những gì?

Trả lời

Theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em như sau:

- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

- Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.

Như vậy, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 và quy định sau đây:

- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

- Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;

- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014.

Thủ tục làm giấy khai sinh

- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.

- Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

+ Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;

+ Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.

- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp - hộ tịch cập nhật thông tin khai sinh theo hướng dẫn để lấy Số định danh cá nhân, ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, hướng dẫn người đi đăng ký khai sinh kiểm tra nội dung Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh, cùng người đi đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký 01 bản chính Giấy khai sinh cấp cho người được đăng ký khai sinh, số lượng bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu.


Câu 2. Ông Đoàn Văn Sâm trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi:  Người bị tố giác được mời đến cơ quan công an làm việc thì được phép thực hiện các quyền gì? Pháp luật quy định như thế nào về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác?

Trả lời

Tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có các quyền sau:

- Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

- Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Lưu ý: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

Đối với câu hỏi quy định của pháp luật về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, chúng tôi căn cứ theo Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố để trả lời như sau:

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là: Luật sư; Bào chữa viên nhân dân; Người đại diện; Trợ giúp viên pháp lý.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

+ Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

+ Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:

+ Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;

+ Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

  • Từ khóa