Trả lời bạn xem truyền hình ngày 25/06/2024

Thứ 4, 26.06.2024 | 08:51:41
180 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn, trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Lương Văn Trung trú tại xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng hỏi: Trường hợp nào bên thuê lại lao động được sử dụng và không được sử dụng lao động thuê lại? Hợp đồng cho thuê lại lao động phải đảm bảo những nội dung gì?

Trả lời

Căn cứ theo Điều 53 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

- Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

- Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

+ Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

+ Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

+ Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

- Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

+ Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

+ Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

+ Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

Lưu ý: Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Theo Điều 55 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Theo đó, hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;

- Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

- Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.

Lưu ý: Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động.


Câu 2: Ông Lê Văn Cường, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Theo quy định của pháp luật, khi nào được miễn chấp hành án phạt tù? Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù được quy định như thế nào?

Trả lời

Theo khoản 1, 2, 3, 4 và 7 Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về các trường hợp được miễn chấp hành án phạt tù gồm:

- Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

- Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Sau khi bị kết án đã lập công;

+ Mắc bệnh hiểm nghèo;

+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

- Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

- Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Thủ tục miễn chấp hành án phạt tù theo Điều 39 Luật Thi hành án hình sự 2019 như sau:

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù. Hồ sơ bao gồm:

+ Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

+ Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền;

+ Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;

+ Đối với người bị kết án đã lập công hoặc lập công lớn thì phải có bản tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; đối với người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện, hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên; đối với người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát đề nghị, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được miễn chấp hành án cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở, Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được miễn chấp hành án là người nước ngoài.

- Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên. 

  • Từ khóa