Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng không thể từ bỏ an ninh của tương lai để đổi lấy kết quả kinh tế và sự thoải mái trước mắt.
Truyền thông Triều Tiên hôm 3/1 công bố đoạn băng ghi hình Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cưỡi ngựa trắng trong chuyến thăm núi thiêng Paektu hồi cuối năm 2019 vừa qua. Dù chưa rõ theo sau những hình ảnh này là quyết định quan trọng nào sẽ được đưa ra, song cùng với thông điệp đầu Năm mới, Triều Tiên đã một nữa khẳng định quyết tâm đấu tranh tới cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế, song song với việc thúc đẩy chính sách răn đe hạt nhân để buộc Mỹ phải thỏa hiệp.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: RTE. |
“Không thể từ bỏ an ninh của tương lai chỉ vì những kết quả kinh tế cũng như sự vui vẻ và thoải mái trước mắt” là tuyên bố của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong ngày đầu Năm mới 2020 và được truyền thông nước này liên tục nhắc lại những ngày qua.
Phải chăng quyết tâm của Triều Tiên thể hiện sự thất vọng sau nỗ lực đàm phán với Mỹ? Phía Washington muốn Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân trước khi dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào, trong khi vũ khí hạt nhân lại là yếu tố bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Triều Tiên chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ chừng nào chưa ký được thỏa thuận hòa bình với Mỹ.
Tuy nhiên một điều không khó nhận ra, trong phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không đề cập tới các chi tiết cụ thể như liệu nước này có hay không gỡ bỏ lệnh dừng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa hay ngừng theo đuổi chính sách ngoại giao… Thay vào đó, ông nhấn mạnh, những nỗ lực gia tăng năng lực hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ được thay đổi “phụ thuộc vào thái độ của Mỹ trong tương lai”.
Theo giới phân tích, Chủ tịch Kim Jong Un đang có những tính toán trước bối cảnh chính trị còn nhiều biến động tại Mỹ. Triều Tiên không muốn mạo hiểm đạt được một thỏa thuận có khả năng bị thay đổi nếu ông Donald Trump không tái đắc cử. Với những bước đi thận trọng, Bình Nhưỡng cũng có thể tránh phải chịu thêm những tổn thương kinh tế. Việc phóng tên lửa tầm xa gần như chắc chắn sẽ dẫn tới một vòng trừng phạt mới từ Liên Hợp quốc, đồng thời khiến Trung Quốc và Nga không hài lòng. Chính phủ Hàn Quốc cũng cho rằng, việc Triều Tiên phát triển vũ khí chiến lược mới không giúp ích gì cho các cuộc đàm phán và cho chính nước này.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sang-min nhấn mạnh: “Triều Tiên đã tuyên bố rằng, thế giới sẽ sớm được chứng kiến một loại vũ khí chiến lược mới. Chính phủ Hàn Quốc nhiều lần nói rõ rằng một bước đi như thế của Triều Tiên sẽ không giúp ích gì cho đàm phán phi hạt nhân hóa và nỗ lực xây dựng hòa bình đối với bán đảo Triều Tiên Bán đảo”.
Đồng thời với đó, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đặc biệt nhấn mạnh tới phương châm “tự lực” thay vì tin vào “sự biến đổi tuyệt vời” của nền kinh tế mà Tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông kêu gọi người dân “không bao giờ đánh đổi an ninh và tự trọng mà chính sách hạt nhân của mình đem lại, ngay cả khi phải thắt lưng buộc bụng”.
Sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 không đạt kết quả như mong đợi, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã yêu cầu tiến hành một loạt vụ thử tên lửa và cũng hứa hẹn sẽ sớm trình làng một loại vũ khí chiến lược mới. Các chuyên gia đã không ngừng đưa ra những dự đoán từ một loại vũ khí phóng từ tàu ngầm hạt nhân đến một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến hơn. Song tựu trung tất cả đều cho rằng, thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đi là nước này sẵn sàng từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, chấp nhận tình trạng trì hoãn lâu dài, coi các lệnh trừng phạt như một thực tế và sẽ củng cố sức mạnh tự có, bao gồm năng lực hạt nhân và tên lửa./.
Theo Thu Hoài/VOV.VN